“Vùng đất văn hóa” là một mỹ từ đẹp, sự nhìn nhận phẩm hạnh của một vùng đất mà nhiều khách phương xa đã dành tặng cho Bạc Liêu.
Quảng trường Hùng Vương TP Bạc Liêu lung linh trong đêm Ảnh: Phan Thanh Cường
Điểm hẹn văn hóa
Bạc Liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Kinh, Hoa, Khmer tạo nên một phong cách văn hóa đa dạng, đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Hiện nay, Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện, trong đó 63 đơn vị hành chính cấp xã.
Dù không được thiên nhiên ban tặng cho núi non trùng điệp hay đại ngàn hoang sơ, thơ mộng; cũng không có nhiều đình, đền, miếu mạo hàng nghìn năm tuổi…, tài nguyên văn hóa của Bạc Liêu chủ yếu là Cải lương Nam bộ, Đờn ca tài tử và đặc biệt là bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Nhưng chính những nét văn hóa đó như mạch ngầm, thẩm thấu, chảy hoài chảy mãi qua nhiều thế hệ và ngày càng ngát hương trong vườn hoa văn hóa dân tộc; định hình rõ nét, lan tỏa mạnh mẽ trong vòng mấy năm gần đây.
Chính văn hóa đã nâng cao phẩm hạnh và bản lĩnh người Bạc Liêu. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời trong chiến đấu và lao động; lòng kiên trung, bất khuất trước cường quyền. Là sự dâng hiến tận cùng cho quê hương, đất nước của bao người mẹ, người chị Bạc Liêu. Và còn là dòng chảy đậm đà nhân nghĩa, nhân văn của “Dạ cổ hoài lang”, của hai lần giành chính quyền thắng lợi (1945, 1975)…
Bạc Liêu đã khai thác triệt để các giá trị văn hóa qua cách ứng xử, giao lưu, các kênh đối ngoại, giáo dục, truyền thông… và biến nó trở thành động lực phát triển, tạo ra những giá trị gia tăng, hình thành “sức mạnh mềm văn hóa” làm đổi thay nhanh chóng diện mạo Bạc Liêu. Đó là sự ấm áp chân tình, nồng nàn phóng khoáng nhưng khiêm nhường, cầu thị; là sức hấp dẫn, thu phục nhân tâm, tạo ra đồng thuận; là khả năng lôi cuốn đối tác, bạn bè.
Dấu ấn riêng
Bạc Liêu không những gắn liền với các địa danh nổi tiếng như: Nhà công tử Bạc Liêu, vườn chim, chùa Xiêm Cán… mà còn được gắn liền với hình ảnh những cánh đồng muối trắng, cánh đồng điện gió, cây đờn kìm…
Cánh đồng muối ở Bạc Liêu tọa lạc tại hai huyện là Hòa Bình và Đông Hải. Những cánh đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp. Dưới cái nắng gay gắt, diêm dân chăm chú làm việc. Muối kết tinh trong những ô trắng, lấp lánh. Món quà ấy tuy bình dị nhưng ẩn chứa tiềm năng thế mạnh bờ biển Bạc Liêu, sự sáng tạo, cần mẫn chắt lọc tinh hoa trời đất cùng sự tình chân chất, thanh sạch và nồng nàn đằm thắm của người Bạc Liêu.
Cánh đồng điện gió thuộc địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, là cánh đồng điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam. Tuy cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chừng 20 km nhưng từ xa ta có thể thấy những cánh quạt trắng muốt quay đều đều như những chiếc chong chóng khổng lồ trên nền trời xanh thẳm. Ở đây có tất cả 62 trụ điện và turbin quạt gió, mỗi turbin cao đến 80 m.
Câu chuyện về cây đờn kìm, một trong “tứ tuyệt” của nhạc cụ cổ nhạc Việt Nam cũng thật kỳ thú. Người Bạc Liêu đã nghe, đã ôm cây đờn kìm suốt vòng đời của mình. Bên chiếc vó chiếc đăng, bên luống rau, mảnh vườn, thửa ruộng và “tay đờn tay súng”, mang cả vào hai cuộc chiến tranh giữ nước dặm dài khói lửa. Tâm hồn người Bạc Liêu cũng mộc mạc chân tình, tha thiết như tiếng đàn kìm vậy. Để hôm nay, nó vụt chói sáng và trang trọng hơn.