Sản xuất giống bào ngư vành tai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bào ngư vành tai được xem là một đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế nhờ kích thước, trọng lượng cơ thể lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, để sản xuất giống bào ngư vành tai hiệu quả cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật.

Nuôi vỗ đàn bố mẹ

Nuôi vỗ có thể làm cho bào ngư đẻ nhiều lần trong năm. Các cá thể có kích thước 7 – 10 cm, trọng lượng từ 50 – 100 g, không dập vỡ, tuyến sinh dục phát triển ở giai đoạn 3 được lựa chọn và nuôi vỗ ở điều kiện nước chảy tràn, nhiệt độ 28 – 300C, độ mặn 30 – 32‰. Thức ăn sử dụng nuôi vỗ là các loài rong biển như rong câu (Gracilavia sp) và rong mơ (Sargassum) hoặc có thể sử dụng thức ăn nhân tạo dạng viên sản xuất tại Australia.

Hàng tuần kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của bào ngư nuôi. Khi tuyến sinh dục phát triển đến giai đoạn thành thục và chín chuyển bào ngư qua sàn bể đẻ cho sinh sản nhân tạo.

Kích thích cho đẻ và ương nuôi ấu trùng

Dùng đèn cực tím có công suất 10W và hệ thống nước chảy để kích thích bào ngư đẻ trứng và phóng tinh. Nếu bào ngư không sinh sản, thay nước bể đẻ và tiếp tục chiếu xạ. Hầu hết bào ngư đẻ trứng hoặc phóng tinh sau khi thay nước lần hai.

Sau khi đẻ, trứng chìm xuống đáy tạo thành một lớp màu xanh lá cây nhạt và sau đó cuộn lên do sự xáo trộn của cột nước trong bể và bắt đầu được thụ tinh. Tinh trùng được phóng ra từ lỗ mở hô hấp thứ hai hoặc thứ ba trên vỏ của con đực và tạo thành những vệt giống như dải khói thuốc lá màu trắng đục lan tỏa khắp bể đẻ. Sau khi bào ngư bố mẹ sinh sản, vớt khỏi bể đẻ và đậy bạt kín.

Tỷ lệ đực cái là 3:7, thu trứng bằng các túi lưới thực vật phù du kích thước mắt lưới 60 mm. Trứng sau khi thụ tinh được lọc và chuyển sang bể ấp với mật độ 10 – 15 tế bào/ml.  Ở nhiệt độ 27 – 300C, trứng thụ tinh nở thành ấu trùng bánh xe (Trochophora). Ấu trùng có tính hướng quang nên bơi lội tự do trên lớp nước bề mặt của bể.

Chăm sóc và quản lý bể ương nuôi

Thu ấu trùng bánh xe chuyển qua bể ương nuôi ấu trùng bằng cách xiphong hết lớp nước tầng mặt chứa ấu trùng. Bể ương nuôi ấu trùng bằng sợi thủy tinh hoặc vật liệu composite có dung tích từ 500 – 1.000 lít và có lỗ nước chảy ra vào. Nhiệt độ trọng bể ương dao động 27 – 300C, độ mặn >30‰ và ôxy hòa tan >4 ml/l.

Thay nước bể nuôi 100% và vệ sinh bể hằng ngày, có thể bổ sung tảo làm thức ăn cho bào ngư giống. Điều quan trọng trong giai đoạn ương nuôi này là đảm bảo các điều kiện môi trường ổn định trong bể ương nuôi để giảm thiểu thời gian ấu trùng bơi lội. Hàng ngày thay nước và quan sát dưới kính hiển vi.

Thu ấu trùng bám

Sau 4 – 5 ngày, ấu trùng Veliger chuyển sang dạng sống bám, mất dần khả năng bơi lội. Thả những tấm PVC trên đó có tảo diatom (tảo silic) làm thức ăn cho ấu trùng. Ấu trùng thường bám hết sau 5 – 6 ngày, vỏ phát triển, sau 15 ngày có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Thức ăn cho ấu trùng ở giai đoạn này là các loài tảo diatom bám đáy như: Navicula, Nitschia…

Nuôi thành con giống

Sau hơn 1 tháng nuôi, khi đạt kích thước hơn 2 mm, ấu trùng bám trên tấm nilon, thức ăn được chuyển sang bể ương nuôi bào ngư giống. Ở giai đoạn này, ấu trùng bám xuất hiện lỗ hô hấp đầu tiên trên vỏ. Đây là đặc điểm nhận dạng khi ấu trùng bám chuyển sang bào ngư giống. Một số điều kiện nuôi như sau:

Bể ương nuôi đặt ngoài trời, có thể tích từ 4 – 10 m3 (sâu 0,5 – 0,7 m), nước chảy vào liên tục (200 – 500 lít/giờ); nhiệt độ nước từ 27 – 300C; độ mặn >30‰; ôxy hòa tan >4 ml/l; pH 7,6 – 8,4; Mật độ ương nuôi 100 – 200 con/lít.

Giai đoạn này ấu trùng bám phát triển nhanh và ăn nhiều thức ăn. Do vậy bể ương nuôi được bón thêm phân để tăng khả năng phát triển của tảo khuê trên các bản thức ăn. Tỷ lệ phân bón như sau: N: 1 – 3 ppm; P: 0,1 – 0,3 ppm; Fe: 0,04 ppm; Si: 0,5 ppm

Sau 3 – 4 tháng ương nuôi, khi đạt kích cỡ trên 10 mm, bào ngư giống được chuyển ra lồng trên biển và cho ăn các loại rong tươi và khô.

Hoàng Ngân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!