T2, 06/07/2020 10:11

Cá voi xanh xoay 360 độ để săn mồi

Chưa có đánh giá về bài viết

Các nhà khoa học mới đây phát hiện thấy cá voi xanh thực hiện các màn nhào lộn dưới nước để tấn công con mồi từ bên dưới. Họ đã ghi lại được khả năng cơ động đáng ngạc nhiên của sinh vật khổng lồ này. Họ phát hiện thấy những con cá voi quay 360 độ để tự định hướng cho một cuộc tấn công bất ngờ.

Các kết quả được công bố trong tờ Royal Society Biology Letters bởi tiến sĩ Jeremy Goldbogen và các đồng nghiệp đại diện cho hiệp hội Cascadia Research Collective có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Mặc dù là loài động vật lớn nhất từng tồn tại, cá voi xanh vẫn cho thấy một khả năng ấn tượng để thực hiện các thao tác phức tạp đánh bắt các đám sinh vật phù du.

Để tìm hiểu cách thức săn mồi của những con cá khổng lồ này, tiến sĩ Goldbogen và nhóm nghiên cứu của ông đã gắn các thẻ theo dõi hoạt động vào một nhóm cá voi xanh tại khu vực ngoài khơi bờ biển miền nam California, Mỹ.

Kết quả cho thấy những con cá voi đã thực hiện các động tác quay tròn ấn tượng dưới sóng để xâm nhập vào các đám sinh vật phù du.

“Khi cá voi xanh tiếp cận với đám sinh vật phù du, nó sử dụng chân chèo và đuôi để quay tròn 180 độ sao cho cơ thể và hàm của nó nằm ngay bên dưới đám sinh vật phù du”, Tiến sĩ Goldbogen giải thích. “Vào khoảng 180 độ, miệng của con cá voi chỉ bắt đầu mở ra vì thế con cá voi xanh có thể nhấn chìm các đám sinh vật phù du từ phía dưới”.

Khi cá voi xanh nhấn chìm khối nước chứa đầy các sinh vật phù du, nó vẫn tiếp tục xoay tròn trong cùng một hướng và hoàn thành một vòng đủ 360 độ và cơ thể nó lại trở lại thăng bằng để sẵn sàng cho đợt tấn công tiếp theo.

Các nhà nghiên cứu đã có thể ghi lại đoạn băng video của cuộc nhào lộn ấn tượng bằng cách sử dụng một máy quay video gắn vào những con cá voi khác để theo dõi hành vi tự nhiên này.

Trước đây các nhà nghiên cứu đã thấy hành vi tương tự ở các loài cá voi khác như các loài cá voi lưng xám, ví dụ như loài cá voi lưng gù, nhưng những sinh vật này hiếm khi xoay mình quá 150 độ trong lúc đánh bắt các sinh vật phù du.

Trong các loài cá voi nhỏ hơn, khả năng xoay mình và chuyển hướng được cho là nhờ các vây dài và đuôi.

Tuy nhiên, đối với cá voi xanh, các nhà khoa học nhận thấy những nỗ lực chuyển hướng “thưởng” cho loài động vật có vú to lớn này bữa ăn khổng lồ.

Tiến sĩ Goldbogen cho rằng kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cho các nghiên cứu xa hơn về hành vi phức tạp của cá voi. Goldbogen chũng cho biết, công việc gắn thẻ trong tương lai có tiềm năng giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về cuộc sống hàng ngày của các sinh vật trong môi trường tự nhiên của chúng.

Phạm Thị Bích Thu

BBC, khoahoc.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!