(TSVN) – Vaccine là tiền đề cho việc người lao động có thể duy trì sản xuất và tạo ra sản phẩm trong đại dịch COVID-19. Nhưng nói theo nghĩa bóng, các doanh nghiệp và người nuôi cũng cần đến “vaccine” khác nữa, đó chính là những chính sách hỗ trợ kịp thời để ngành thủy sản “tăng sức đề kháng” trước những rủi ro, thử thách khi đại dịch còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê, diện tích thả nuôi cá tra mới tại ĐBSCL tính đến 15/9/2021 đạt 3.516 ha (bằng 74,3% so cùng kỳ 2020). Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đã giảm khoảng 50 – 55% so các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch ước 932.000 tấn (bằng 81,1% so cùng kỳ). Đến cuối tháng 7/2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9/2021 là 176/449 cơ sở (39,2%), do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ” (Chi phí tăng chi phí 50 – 100%).
Giá cá tra fillet trên thị trường thế giới đang có xu hướng đi lên và tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thiếu hụt. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã có đơn hàng xuất khẩu của năm 2022. Các doanh nghiệp nuôi, xuất khẩu cá tra đang hy vọng, việc nới giãn cách, tiêm vaccine cho đội ngũ vận chuyển, lưu thông dễ dàng giữa các tỉnh, thành sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu.
Tính đến tháng 9, sản lượng tôm chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau ước khoảng 128.000 tấn, tăng hơn 9% so cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 740 triệu USD, bằng 71% kế hoạch, tăng khoảng 14% cùng kỳ.
Tại Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 22 nhà máy chế biến tôm. Theo kết quả khảo sát của VASEP, Sóc Trăng hiện là một trong những địa phương có khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ngành tôm khá tốt nếu tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động tại các nhà máy đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, các giải pháp khai thông trong vận chuyển hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh từng bước thuận lợi hơn đã giúp các nhà máy chế biến nhanh chóng trở lại tiến độ sản xuất với công suất lớn hơn khi nguồn nhân lực đảm bảo đầy đủ.
Tuy Việt Nam gặp khó khăn vì đại dịch, nhưng nhờ nguồn cung vẫn ổn định, các nhà máy không bị đứt gãy nguyên liệu nên việc xuất khẩu tôm vẫn khá ổn định. Trong khi các nước như Ấn Độ, Thái Lan cũng đều đang khủng hoảng về nguyên liệu. Cùng đó, nhiều tỉnh, thành phía Nam dần nới lỏng giãn cách xã hội, nên giá tôm nguyên liệu tăng ở tất cả các kích cỡ; giúp người nông dân yên tâm đầu tư cho vụ tôm cuối năm và dịp Tết cổ truyền sắp tới.
Trong khi người lao động vui mừng được tiêm vaccine, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thì các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào “vaccine” dành cho mình, đó là các chính sách hỗ trợ để phục hồi sau thời gian giãn cách ngặt nghèo.
Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trọng tâm, trọng điểm và rất hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm hỗ trợ HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp rất mừng và mong tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ sẽ triển khai nhanh chóng ở các địa phương để có thể vực dậy hoàn toàn được các khu vực này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng triển khai các khoản hỗ trợ doanh nghiệp. Tính chung các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí…, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Việc giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 kích cầu tiêu dùng và giải ngân đầu tư công 250.000 tỷ đồng cũng sẽ là những “vaccine” quan trọng giúp các doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, xuất khẩu. Nhiều giải pháp đồng bộ đã và sẽ được triển khai giúp ngành thủy sản phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”.
Song, theo kinh nghiệm của một số nước thì rất cần nguồn vốn phát triển hệ thống cảng, kho lạnh, bến bãi nhằm giảm chi phí logistics trong đại dịch COVID-19. Vì 95% xuất khẩu thủy sản Việt Nam thông qua đường biển, chi phí vận chuyển tăng từ 2 – 10 lần khiến lợi nhuận của ngành giảm đáng kể. Bởi vậy, việc giảm chi phí logistics cũng giúp cho các doanh nghiệp ngành thủy sản có thêm sức “đề kháng” khi đại dịch trên thế giới vẫn còn diễn biến khó lường.
>> Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: “Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn; do đó, việc phối hợp giữa các địa phương, khu vực là rất quan trọng. Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp, hướng đi cần thiết”. |
Nguyễn Anh