T3, 19/10/2021 09:38

Đề xuất lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo xác suất thống kê

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Rynan Technologies và các kỹ sư đã đưa ra đề xuất áp dụng phương pháp lấy mẫu xét nghiệm mới giúp doanh nghiệp không chỉ cắt giảm được đáng kể chi phí mà còn có thể duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn.

Gánh nặng chi phí xét nghiệm

Là người đứng đầu của một doanh nghiệp đã thực hiện “3 tại chỗ” kể từ tháng 7/2021 với khoảng 350 nhân viên, TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết: “Do thực hiện quy trình 5K, mỗi tuần chúng tôi phải mất hơn 4 giờ để lần lượt tập trung tất cả nhân viên từ các bộ phận đến để lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình hoàn tất lấy mẫu cho gần 100 người nên để xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên phải hết hơn nửa ngày. Mỗi lần xét nghiệm như vậy hết 60 triệu đồng, một tháng là 240 triệu đồng. Do đó, cộng thêm việc mỗi tuần phải dừng sản xuất nửa ngày để lấy mẫu, doanh nghiệp chúng tôi mất doanh thu gần 4 tỷ đồng/tháng”.

Từ trải nghiệm thực tế ấy, ông Thanh Mỹ đặt câu hỏi cùng với ba kỹ sư trẻ tốt nghiệp chuyên ngành toán ứng dụng đang làm việc trong Công ty và đã tìm ra phương pháp lấy mẫu xét nghiệm CNOK dựa trên cơ sở toán học xác suất thống kê. Trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế; nhằm giúp phát hiện nhanh và tương đối chính xác người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường làm việc “3 tại chỗ”.

Phương pháp lấy mẫu CNOK

Với cách lấy mẫu CNOK, nhân viên trong doanh nghiệp sẽ được chia thành các phân tổ để xét nghiệm đại diện. Số lượng phân tổ sẽ bằng tổng số nhân viên chia cho chu kỳ xét nghiệm 28 ngày – tương đương với 2 chu kỳ ủ bệnh của virus. Cụ thể, doanh nghiệp với 350 nhân viên sẽ được chia thành 13 phân tổ. Trong đó, 12 phân tổ sẽ gồm những người có mức độ lây nhiễm bình thường và phân tổ còn lại bao gồm những người có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ và tài xế. Tiêu chí để chọn người trong mỗi phân tổ sẽ dựa trên mức độ thường xuyên tiếp xúc với nhau hoặc khoảng cách khi làm việc và nghỉ ngơi gần hơn 3 m. Đồng thời, thay vì xét nghiệm RT-PCR, kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tối đa 90%) cũng được sử dụng. “Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho 13 người đại diện của 13 phân tổ và xoay vòng vào những ngày sau. Như vậy, mỗi ngày chúng ta vẫn biết được kết quả nhưng mỗi người ở trong phân tổ nguy cơ thấp sau 28 ngày mới cần xét nghiệm lại một lần, còn với những người trong phân tổ nguy cơ cao là sau 14 ngày. Nếu muốn rút ngắn chu kỳ xét nghiệm thì lấy mẫu gộp hai người cho mỗi phân tổ”, ông Mỹ cho biết.

TS Nguyễn Thanh Mỹ và các kỹ sư trẻ đã trình bày cụ thể các công thức tính toán xác suất này và trao đổi với một số nhà quản lý. Giải thích một cách đơn giản tại sao phương pháp này vẫn có thể đảm bảo độ chính xác khá cao, nếu xét nghiệm mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên bằng phương thức RT-PCR, độ tin cậy để phát hiện được người nhiễm COVID-19 sẽ là 100%. Còn nếu xét nghiệm một tuần/lần, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 70%, do có đến 6 ngày không biết được kết quả. Cùng đó, nếu muốn tăng tỷ lệ phát hiện, mình sẽ phải tăng tần suất xét nghiệm lên.

Tuy nhiên, nếu việc tăng tần suất được áp dụng cho toàn bộ nhân viên trong Công ty thì chi phí sẽ vô cùng tốn kém. Thay vào đó, khi áp dụng xác suất thống kê để chia tổ và lấy mẫu mỗi tổ 1 – 2 người với sai số khoảng 5% thì ngày nào cũng sẽ nhận được kết quả với độ chính xác khoảng 85 – 90%. Do các nhân viên trong các phân tổ tiếp xúc gần và làm việc cùng nhau, nếu một người mắc thì chắc chắn sẽ lây lan ra những người khác trong phân tổ, nhất là khi chủng Delta có chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2 ngày, nên chỉ cần xét nghiệm 1 – 2 người đại diện cho phân tổ là có thể biết được kết quả cả phân tổ.

Với phương pháp này, chi phí cho xét nghiệm cho 350 người sẽ chỉ là hơn 72 triệu đồng mỗi tháng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp 2 người/kit test, thì chi phí sẽ chỉ còn lại hơn 36 triệu đồng. Quan trọng hơn, do mỗi ngày chỉ cần lấy mẫu cho vài nhân viên và có thể thực hiện ngay tại nơi làm việc mà không cần phụ thuộc vào cơ sở y tế, việc sản xuất của các doanh nghiệp sẽ có thể được duy trì liên tục mà không phải ngừng hoạt động như trước đây.

Rynan Technologies cũng phát triển phần mềm phục vụ TCOVI Web và ứng dụng trên điện thoại di động TCOVI App để giúp các doanh nghiệp khác tham khảo cách xét nghiệm và tự động sắp xếp lịch xét nghiệm cho mỗi phân tổ.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện việc xét nghiệm. Thế nên song song với việc tự test cho nhân viên theo phương pháp CNOK hai lần/tuần, Rynan Technologies vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên theo quy định.

>> TS Nguyễn Thanh Mỹ: “Tôi luôn hy vọng Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành sẽ là cánh cửa mở để doanh nghiệp có thể tự lựa chọn phương thức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất trong điều kiện vận hành doanh nghiệp của mình”.

Thanh Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!