(TSVN) – Hỏi: Hai ngày gần đây cá lóc bông có da chuyển màu sẫm, bơi khác thường, 1 vài con có mắt bị sưng và đục. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp khắc phục ra sao?
(Trần Đức Thái, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể cá lóc bông bị bệnh sưng phù và nổ mắt do vi khuẩn Streptococcus spp. Đây là những vi khuẩn gram dương có dạng hình cầu hoặc hình trứng, không vận động được, chúng gây bệnh cho cá lóc, cá lóc bông và nhiều loài cá nước ngọt cũng như cá biển. Khi nhiễm bệnh, cá bơi lội lung tung không bình thường, da chuyển sang màu sậm, mắt mờ đục, sưng phù và có thể bị mù. Cá bị xuất huyết ở các vây, phần bụng, một số chỗ trên thân bị hoại tử, vùng tổn thương có các vòng đen xung quanh. Thận và lách bị sưng to, cá rất dễ bị chết. Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt công việc chuẩn bị ao, lồng bè nuôi, đặc biệt là khâu xử lý đáy ao và xử lý nước. Trước khi thả cá nuôi nên tắm qua nước muối 2 – 3% trong thời gian 5 – 15 phút. Nên thả nuôi với mật độ vừa phải. Trong quá trình nuôi cần theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường nước, nên được duy trì hàm lượng ôxy hòa tan ở mức cao bằng máy quạt nước. Định kỳ trộn cho ăn Vitamin C từ 7 – 10 ngày/tháng để tăng cường sức đề kháng cho cá khi nhiệt độ thay đổi.
Khi dịch bệnh xảy ra nên cắt giảm một phần hoặc toàn bộ lượng thức ăn cho cá. Giảm mật độ nuôi sẽ giảm bớt căng thẳng và mức độ lây lan bệnh đến cá. Lập tức vớt bỏ số cá chết ra khỏi ao, lồng bè nuôi. Thực hiện các biện pháp khử trùng nước ao. Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn liều lượng như sau: Kanamycin: 50mg/kg thể trọng cá, liên tục 7 ngày; nhóm Sulfamid: 150 – 200 mg/kg thể trọng cá, cho ăn trong 7 – 10 ngày. Trong thời gian dùng thuốc trị bệnh, tăng cường Vitamin C trộn vào thức ăn, liều lượng 20 mg/kg. Cải thiện chất lượng nước, thay nước mới sạch, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trên 4 mg/l.
(Lê Thanh Hải, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
Trả lời:
Bệnh nhiễm khuẩn huyết trên cá lóc bông do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra. Khi cá nhiễm bệnh da sậm lại và vết này lan ra vùng bụng và các vùng phần khác trên cơ thể, xuất hiện từng mảng nhỏ trên thân, đuôi và vây bị hoại tử, các khối u trên bề mặt cơ thể, vảy dễ rơi rụng, mắt phù và mờ đục, nội tạng hoại tử. Tỷ lệ chết rất cao khi cá bị sốc và thiếu dinh dưỡng. Khi cá nhiễm bệnh, dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cá, liều dùng 10 ppm (10 g/m3 nước) cho cá nuôi bè, xử lý lặp lại sau 3 ngày. Định kỳ tắm cho cá 2 tuần/lần. Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn liều lượng như sau: Streptomycin: 50 – 75 mg/kg thể trọng cá nuôi, trong 5 – 7 ngày. Hoặc Kanamycine 50 mg/kg thể trọng cá, liên tục trong 7 ngày. Ngoài ra, người nuôi cần tăng cường thêm Vitamin C trộn vào thức ăn, liều lượng 20 mg/kg thức ăn trong thời gian dùng thuốc trị bệnh. Cải thiện chất lượng nước, thay nước mới sạch, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trên 4 mg/lít. Để phòng bệnh, người nuôi không nuôi cá với mật độ quá cao, tránh làm cho cá bị xây xát khi kéo lưới hoặc đánh bắt kiểm tra. Giữ cho môi trường nuôi không bị nhiễm bẩn do thức ăn dư thừa và từ các nguồn nước thải công nghiệp…
Ban KHKT