(TSVN) – Các giám đốc điều hành tại những thương hiệu tôm nổi tiếng của Thái Lan như CP Foods, Thai Union, Sea Wealth và Siam Canadian đều khẳng định nhiều doanh nghiệp tôm đang chuyển hướng sang thị trường giá trị gia tăng và coi đây là giải pháp để trụ vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Tăng kích cỡ, tăng chế biến
Tại triển lãm Thaifex Anuga Asia năm nay, khách hàng như lạc vào ma trận sản phẩm tôm đa dạng từ đông lạnh, tẩm bột chiên xù, tôm chín, chả tôm hay hoành thánh tôm. Các hãng chế biến tham gia triển lãm cho biết khách hàng yêu thích tôm đều chuộng tôm cỡ lớn, riêng tôm chế biến giá trị gia tăng và tiện lợi cho bữa ăn hàng ngày luôn thu hút nhiều khách hơn.
“Thị trường tôm nguyên liệu đang thu hẹp đáng kể, đó là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thị trường tôm giá trị gia tăng”, ông Wannasiri Laosirichon, Giám đốc Marketing tại Công ty Chế biến và Kinh doanh thuỷ sản Sea Wealth cho biết. Theo doanh nghiệp này, họ sẵn sàng chế biến tôm thành những sản phẩm công nghiệp theo nhu cầu của khách hàng bởi tôm nguyên liệu không còn là thế mạnh của Thái Lan như trước đây.
Ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành Công ty Thương mại thuỷ sản quốc tế Siam Canadian cho Thái Lan đang dự tính sản lượng tôm nuôi sẽ đạt 225.000 – 240.000 tấn trong năm nay. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm chỉ còn lại một vài đơn vị, giảm mạnh so với thời điểm cách đây vài năm. Theo ông Jim Gulkin, chi phí sản xuất tại Thái Lan đắt hơn nhiều so với các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và Ecuador. Hiện, tôm Thái Lan cũng đang chật vật để cạnh tranh tại Mỹ – thị trường truyền thống và cũng từng là nơi tiêu thụ tôm Thái Lan nhiều nhất trước đây.
Do đó, các hãng tôm khắp Thái Lan đều có dự định tăng gấp đôi sản phẩm chế biến. Đây là phân khúc mà giá nguyên liệu đầu vào ít ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng. Tuy vậy khối lượng sản phẩm giá trị gia tăng vẫn quá khiêm tốn so với tôm nguyên liệu trước đó.
Thái Lan đang chú trọng tăng tỷ lệ chế biến sâu cho sản phẩm tôm và tìm kiếm thị trường mới. Ảnh: Ai Han
Các điều kiện thị trường hiện nay đối với tôm Thái Lan cũng không thuận lợi. Vài năm qua, Ecuador đã bắt đầu tăng lượng tôm nguyên liệu sang thị trường Mỹ sau khi nhiều hãng tôm của Ecuador bị cấm cửa tại thị trường truyền thống của nước này là Trung Quốc. Do đó, giá tôm nguyên liệu Thái Lan hiện đang ở thế bất lợi khi xét đến tình trạng lạm phát tràn lan. Ông Gulkin cho rằng, nếu Trung Quốc cứng rắn với chính sách quản lý thương mại và COVID-19, thì tôm nguyên liệu của Thái Lan sẽ không thể cạnh tranh về giá bán cho đến cuối năm nay.
Thai Union, C.P Foods nằm trong số ít doanh nghiệp vẫn duy trì tín hiệu lạc quan. Hai hãng tôm lớn nhất Thái Lan, Thai Union Group và C.P Foods tin rằng thị trường tôm vẫn đang ổn định. Việc ngành tôm Thái Lan chuyển dịch nhiều hơn sang sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến hoàn chỉnh trong những năm gần đây càng làm cho hai doanh nghiệp này củng cố được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Ông Rittirong Boonmechote, Giám đốc mảng kinh doanh sản phẩm đông lạnh toàn cầu của Thai Union cho biết: Thái Lan đang nhắm đến một thị trường ngách và không muốn cạnh tranh với những đối thủ dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến tôm HLSO. Hiện, các khách hàng của Thai Union tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều có xu hướng tìm kiếm nguồn cung tôm từ các hãng sản xuất có tên tuổi đáng tin cậy thay vì tìm hàng giá rẻ như trước đây. Hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ của Thai Union đang là lợi thế giúp công ty cạnh tranh và tạo sự khác biệt với các đối thủ.
Ông Rittirong Boonmechote cho biết thêm: “Đối với mặt hàng tôm, chúng tôi dự tính tăng trưởng 10 – 15% trong năm nay và đạt doanh thu hơn 500 triệu USD. Tôm chiếm gần 35 – 40% doanh thu của Thai Union”. Tại triển lãm Thaifex Anuga Asia, Prasit Boondoungprasert cho biết Công ty vẫn đã tăng đáng kể cỡ tôm nuôi và có thể đạt size 20 con/kg – mặt hàng cỡ lớn hiếm có trên thị trường hiện nay.
Hiện, C.P Foods đang bán tôm cỡ trung bình 25 con/kg sang thị trường Mỹ, và dự kiến sẽ tăng cỡ lên 23 con/kg. Đại diện C.P Foods cho biết doanh nghiệp này phải tìm lối đi riêng bởi không thể cạnh tranh với Ecuador tại thị trường Mỹ nếu chỉ bán tôm cỡ nhỏ.
Dĩ nhiên, ngay cả khi các doanh nghiệp giữ được thị phần tại thị trường xuất khẩu thì vẫn phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng trên diện rộng. Ông Boonmechote giải thích: Giá xăng dầu, giá thức ăn chăn nuôi, cước vận chuyển, chi phí đóng gói… đều tăng chóng mặt, và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất thuỷ sản.
Còn ông Laosirichon, Công ty Sea Wealth, cho hay khách hàng phải chấp nhận thực trạng chi phí tăng đồng nghĩa giá cả hàng hoá cũng phải tăng theo. Tuy nhiên, nhà sản xuất sẽ không chuyển toàn bộ chi phí tăng lên vai khách hàng cuối cùng. Theo ông Boonmechot, lộ trình tăng giá phải diễn ra hợp lý, tránh gây sốc cho khách hàng, và sau cùng doanh nghiệp vẫn phải có chiến lược giữ chân khách.Tuy nhiên, 2022 sẽ là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp tôm Thái Lan bởi bài toán thắt chặt chi tiêu trong cơn bão lạm phát và chi phí sản xuất leo thang vẫn còn khá nan giải.
Song song chiến lược thắt chặt chi tiêu, nhiều doanh nghiệp tôm Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Với sức mua lớn, không có gì lạ khi nhiều hãng xuất khẩu tôm như Sea Wealth đã tìm đến các quốc gia Trung Đông như Ả Rập Saudi và các nước xung quanh. Đại diện công ty cho biết Sea Wealth vẫn tập trung vào thị trường truyền thống hiện tại, nhưng sẽ không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng trong tương lai, trong đó không thể bỏ qua Trung Đông. Thị trường Trung Quốc hiện đang rất bấp bênh, trong vòng 2 năm qua cứ đóng lại mở liên tục khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này trở tay không kịp, đại diện Sea Wealth cho hay.
Trung Đông đang là thị trường tiềm năng của nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan. Ảnh: Visit Dubai
Không chỉ tôm, mà các doanh nghiệp cá ngừ của Thái Lan cũng đang để mắt đến thị trường Trung Đông với lượng xuất khẩu cá ngừ tăng đáng kể trong năm nay, theo ông Chanintr Chalisarapong, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Thái Lan.
Tuấn Minh
Tổng hợp