“Bà đỡ” cua, nghêu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đó là anh Long Văn Nghĩa, sinh năm 1978, một kỹ sư trẻ, giàu nghị lực, tận tụy với nghề, hiện là Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TP. Bạc Liêu.

 “Bà đỡ” cua biển

Năm 2006, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chuyển giao quy trình “sinh sản giống cua biển nhân tạo”, Trung tâm Khuyến ngư Bạc Liêu tiếp nhận giao cho Trại thực nghiệm giống thủy sản nước mặn do KS. Long Văn Nghĩa lúc đó làm Trại trưởng.

Những năm đầu do quy trình sản xuất còn quá mới nên chưa thật sự hoàn thiện, số lượng con giống làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi, giá giống cao, vào giai đoạn năm 2006 giá thành 1 cua con từ 1.200-1.500 đồng. Ước tính trung bình lượng cua sinh sản nhân tạo cả năm 2006 là khoảng 1 triệu con chưa đáp ứng 1/10 lượng cua giống cho người nuôi.

Niềm vui của Long Văn Nghĩa khi thu hoạch cá mú

Trải qua nhiều tháng theo dõi môi trường, nhiệt độ, tập tính của cua mẹ…, cuối cùng sự miệt mài đó đã mỉm cười với Nghĩa và các đồng nghiệp. Kỹ sư Nghĩa cho biết: Năm 2006 tôi thực hiện quy mô trại 40 bể (40m3), tỷ lệ sống được 2%, mỗi đợt sản xuất từ 40.000 – 50.000 cua con. Năm 2007 thực hiện quy mô trại 60 bể (60m3), tỷ lệ sống 4%. Đến nay, Nghĩa đã nâng cao tỷ lệ sống của cua con lên khoảng 15%, có lúc đạt từ 20 – 30%, trong khi các cơ sở sản xuất giống ở ngoài chỉ đạt từ 15 – 18%. Ngoài ra, anh còn cải tiến lại một số loại bể, giảm chi phí đầu tư xuống hơn 2/3 so với trước. Cua giống của trại anh sản xuất ra cung cấp con giống chất lượng cho người nuôi trong tỉnh Bạc Liêu và nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL.

Trước đòi hỏi của thị trường về nhu cầu con giống, Nghĩa mở lớp tập huấn và bồi dưỡng cho các trại tôm sú giống nhỏ lẻ sản xuất không hiệu quả chuyển sang sản xuất cua biển giống. Từ những nghiên cứu và thực tiễn nhiều năm sản xuất, Nghĩa đã thành công trong việc sinh sản cua biển giống đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu và một số tỉnh trong khu vực. Cụ thể: Năm 2008 quy mô trại tăng lên 100 bể (100m3), tỷ lệ sống tăng lên 7%. Năm 2009 quy mô trại tăng lên 300 bể (300m3), tỷ lệ sống tăng lên trên dưới 10%, sau mỗi đợt sản xuất (1 tháng) xuất bán từ 500.000 – 700.000 cua con. Năm 2009 – 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu tổ chức mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cua biển giống cho bà con do Nghĩa đảm trách. Kết quả với 50 người tham dự tất cả học viên học xong có việc làm ổn định.

Long Văn Nghĩa cùng công nhân của mình thu hoạch cá mú

 

Đưa về đối tượng nuôi mới

Không bằng lòng với những thành công của mình, Nghĩa tìm một đối tượng nuôi mới đưa về vùng đất Bạc Liêu nuôi thử nghiệm. Đó là cá mú chấm đen. Cá mú chấm đen được coi là thế mạnh trong nuôi cá lồng bè, giá trị kinh tế cao, thịt chắc, thơm ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Sau khi tìm hiểu thông tin, năm 2005 anh khăn gói ra tận Khánh Hòa tham quan học hỏi kinh nghiệm. Sau đó anh về bắt đầu nuôi thử nghiệm trong 2 ao đất, mỗi ao 2.000m2. Mỗi ao thả 1.000 con cá mú giống loại 100g/con, sau 10 tháng nuôi trọng lượng trung bình 800g – 1,2 kg/con; giá bán từ 100.000-140.000 đồng/kg, trừ tất cả các chi phí còn lãi khoảng 50%. Năm sau, anh nhân đôi diện tích nuôi, đến nay diện tích nuôi trên 5 ha với 12 ao, mỗi ao khoảng 3.000m2, mật độ 1 con/m2, mỗi vụ nuôi 9 tháng, anh thu trên 400 triệu đồng lãi. Thấy đối tượng mới nuôi hiệu quả, nhiều người nuôi tôm bị thất bại ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải đã tìm đến Nghĩa học kinh nghiệm nuôi và bước đầu họ thành công. Điển hình là anh Nguyễn Văn Ánh ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, ngoài nuôi tôm sú anh để lại 2 ao khoảng 5.000m2 để nuôi cá mú với mật độ 1 con/m2, sau 9 tháng nuôi cá đạt trọng lượng từ 900 gam – 1,2 kg, bán thu lãi trên 150 triệu đồng.

Long Văn Nghĩa đang kiểm tra trứng của cua mẹ chuẩn bị sinh sản

 

Sinh sản thành công nghêu giống

Đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài trên 700 km, là vùng kinh tế đặc quyền, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, nhất là các loài nhuyễn thể. Trước tình hình khan hiếm con giống ở tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL dẫn đến nạn khai thác nhuyễn thể vô tội vạ và làm cho nguồn lợi này cạn kiệt nghiêm trọng. Thấy vậy, kỹ sư Nghĩa đã tự mày mò nghiên cứu và tham khảo thêm các đồng nghiệp về loài nhuyễn thể. Sau nhiều tháng nghiên cứu, bước đầu kỹ sư Nghĩa đã cho sinh sản thành công nghêu giống tại trại sản xuất giống của mình ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, trại sản xuất nghêu của anh đã sản xuất được 3 đợt (50 kg nghêu bố mẹ/đợt). Đợt 1 sản xuất vào tháng 2 năm 2011, kết quả sau 40 ngày thu được 2.400.000 con (loại 950.000 con/kg); Đợt 2 sản xuất tháng 4 năm 2011, kết quả sau 60 ngày thu được 4.100.000 con (loại 750.000 con/kg); Đợt 3 sản xuất tháng 7 năm 2011, kết quả sau 60 ngày thu được 8.500.000 con (loại 950.000 con/kg).

Qua theo dõi và bán cho người nuôi anh nhận thấy: Tổng thời gian từ khi nghêu được sinh ra đến lúc thu hoạch là 18-20 tháng, có trọng lượng trung bình 40 con/kg. Hiện tại những vùng nuôi nhuyễn thể mua con giống do anh sinh sản nhân tạo đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Kỹ sư Nghĩa cho biết thêm, từ khi bắt con nghêu mẹ về đến khi cho ra con nghêu giống khoảng 2 tháng nhưng để cho nó sinh sản thành công được thì rất khó, tỉ lệ sống chỉ đạt 30%. Đây là một thành công mới của anh tạo thuận lợi cho một đối tượng nuôi của bà con ngư dân vùng ven biển ĐBSCL.

>> Nhiều năm liền Long Văn Nghĩa được UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Giải thưởng Lương Đình Của của Trung ương Đoàn, Danh hiệu Thi đua yêu nước tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 3 năm 2010. Năm 2011, anh tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu về những sáng kiến, kinh nghiệm của mình và đã lọt “Top 10”, hy vọng cuộc thi này anh đạt giải cao.

Phan Thanh Cường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!