(TSVN) – Bão số 3 (bão YAGI) càn quét qua các tỉnh, thành miền Bắc không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn khiến cho nhiều hộ nuôi thủy sản ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, riêng tại Quảng Ninh đã có hơn 1.100 lồng bè bị hư hỏng và cuốn trôi.
Tại Quảng Ninh
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 8/9 có 5 người chết, 157 người bị thương, 19.500 nhà bị tốc mái, 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá bị chìm, trôi dạt, hơn 1.297 cột điện bị gãy, 70% cây xanh bị gãy đổ. Hơn 1.100 lồng bè nuôi thủy sản bị chìm hoặc cuốn trôi.
Cơn bão quét qua huyện Vân Đồn với cường độ rất mạnh, đã gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản, đặc biệt là các lồng bè nuôi thủy hải sản ngoài biển. Thời điểm tháng 9 cũng là lúc chuẩn bị thu hoạch hàu và cá thịt, tuy nhiên cơn bão đến đã cuốn trôi mọi thành quả lao động của người dân, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần.
Những con thuyền tại thị trấn Cái Rồng (Quảng Ninh) xơ xác sau cơn bão. Ảnh: Mai Linh
Còn tại cảng cá Cái Rồng (Quảng Ninh) – một trong những nơi cung cấp thủy sản lớn nhất miền Bắc, bão đã làm rất nhiều tàu thuyền đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản tại đây bị gió thổi bay, nhiều lồng bè nuôi cá bị mất trắng. Đến nay chưa có thống kê thiệt hại chính xác, nhưng dự kiến con số là rất lớn.
Tại Hải Phòng
Theo báo cáo nhanh của Hải Phòng, thiệt hại tài sản do bão ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác. Sơ bộ đến 12 giờ ngày 8/9, mưa bão làm 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Các phương tiện neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn. Tàu Minh Anh 1 có 12 thuyền viên bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tại Thái Bình
Bão số 3 đã làm 42 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng. Trên địa bàn tỉnh có tổng 995 tàu, thuyền đã được neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản ven biển ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Tất cả số lao động này đều di dời vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tại Nam Định
Bão số 3 đã làm 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết, trước khi bão đổ bộ, HTX có 12,5 ha nuôi trồng, gồm 4 tấn cá hồng Mỹ, 2 tấn tôm, 6 tấn ốc hương. Riêng cá thịt, giá thị trường hiện tại khoảng 100.000 đồng/ kg. Bão vào, kèm mưa lớn, gió giật khiến nước trong ao đầm bị tràn, thiết bị phục vụ sản xuất bị hư hỏng, ước tính thiệt hại rất lớn. Trước khi Bão số 3 đổ bộ, toàn tỉnh Nam Định có 14.625 ha nuôi trồng thủy hải sản (mặn lợ 5.625 ha; nước ngọt 9.000 ha); 292 lồng bè trên sông…Đồng thời, có 1.714 phương tiện/5.287 ngư dân; khu vực ven biển có 622 lều, chòi/692 người trông coi đầm bãi.
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Hiện nay, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc. Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, do vẫn còn sóng to, gió lớn nên tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn. Triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương.
Đồng thời, dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão. Tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão,…
Thùy Khánh
(Tổng hợp)