Hàng triệu con sao biển biến thành xác rỗng vì virus SsaDV, có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái ven biển, các nhà khoa học cho biết.
Sau cái chết hàng loạt bất thường của những con sao biển sinh sống dọc bờ biển Thái Bình Dương của Bắc Mỹ, các nhà khoa học đã vào cuộc điều tra. Họ xác định nguyên nhân biến những con sao biển thành “zombie” (xác chết) là một loại virus, được gọi là “Sea Star Associated Densovirus” (SsaDV).
Loại virus đáng sợ đã xóa sổ hàng triệu sinh vật kể từ khi nó xuất hiện lần đầu vào năm ngoái. Khi một con sao biển nhiễm virus, nó sẽ gây ra các thương tổn viêm nhiễm dạng mủ màu trắng, sau đó hạ gục chủ thể, biến nạn nhân thành cái xác rỗng. Các nhà khoa học xác định tác nhân gây bệnh SSaDV sau khi loại trừ các nguyên nhân có thể khác bao gồm một số vi khuẩn, sinh vật đơn bào và nấm.
Nguyên nhân cái chết hàng loạt của sao biển là do virus.
Hơn 20 loài sao biển đã và đang chết vì virus SsaDV bí ẩn. Thực tế SsaDV là một parvovirus (một loại trong nhóm virus chứa DNA nhỏ) có thể gây bệnh ở động vật và con người.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra SsaDV trong các mẫu vật sao biển cũ, trưng bày trong bảo tàng từ những năm 1942. Loại virus này đã có mặt ở mức thấp trong nhiều năm và chỉ gần đây mới trở thành mối đe dọa quy mô lớn.
Theo các nhà khoa học, thông thường có 10 triệu virus trong một giọt nước biển, vì vậy việc khám phá ra virus là tác nhân gây ra cái chết của sao biển có thể ví như việc tìm kiếm một cây kim trong đống cỏ khô.
Đây không chỉ là khám phá quan trọng về một loại virus có liên quan đến chuyện tử vong hàng loạt của loài động vật biển, mà đây còn là virus đầu tiên được tìm thấy trong loài sao biển.
Dân số sao biển giảm hàng loạt có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái ven biển, vì sao biển là những kẻ săn mồi quan trọng trong các vùng ven biển, các nhà nghiên cứu cho biết.