Mấy năm gần đây, Bình Thuận đã đẩy mạnh đào tạo nghề, nhờ vậy lượng lao động qua đào tạo ngày càng tăng trong nông thôn.
Chẳng hạn năm 2011, trên 10.000 lao động được đào tạo và hơn 1/3 trong số đó là lao động thuộc diện chính sách, nghèo, dân tộc thiểu số, tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Về nghề, có 34/36 nghề thuộc chương trình khung, được các trung tâm dạy cho học viên. Các nghề sau: xây dựng dân dụng; lắp ráp và sửa chữa máy tính; chăm sóc và khai thác cây cao su; trồng, chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGap… được xem là có nhiều học viên nhất. Đây cũng là nhóm nghề mà các trung tâm dạy nghề cho rằng: 90% số lao động học xong, tìm được việc làm. Còn theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ người sau khi học nghề tìm được việc làm là 70% (không phân theo nhóm). Có thể nói, trong lĩnh vực đào tạo nghề, toàn tỉnh đạt những kết quả đáng được ghi nhận.
Ngư dân đang kéo lưới. Ảnh: Đình Hòa.
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu vẫn thấy một câu hỏi gợi lên: Vì sao trong lĩnh vực nông – ngư nghiệp, mới chỉ nông nghiệp được chú trọng đào tạo, còn ngư nghiệp, hàng năm đóng góp một tỷ trọng không nhỏ trong GDP của tỉnh thì mới chỉ mở được một số lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 và hạng 5? Cách đây không lâu, trên một vài diễn đàn có không ít ý kiến cho rằng: Cần chú trọng đào tạo nghề cho lao động đi biển, bởi đây là nghề đòi hỏi kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm và không ít hiểm nguy, vất vả. Nghề đi biển buộc lao động phải có một số kỹ năng nhất định: bơi biển; dự đoán được diễn biến thời tiết; sử dụng thành thạo phương tiện khai thác; biết cứu hộ trên biển; có thể thay thuyền trưởng đưa tàu vào bờ an toàn… Tóm lại, nghề biển là nghề phức tạp, lao động biển cần được đào tạo nếu muốn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngư nghiệp trở nên thuận lợi. Hiện tại, với 7.890 tàu thuyền các loại, làm nhiều nghề, Bình Thuận có hơn 70.000 lao động biển chuyên nghiệp, song số được đào tạo thì chưa nhiều. Vì vậy, đào tạo lao động biển là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển. Có điều, để đào tạo nghề đi biển, mỗi trung tâm dạy nghề cần trang bị phương tiện, máy móc cần thiết, nếu không muốn học chay. Một khi lao động biển được đào tạo, Bình Thuận sẽ có đội ngũ lao động biển chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu lao động biển như hiện nay, hạn chế yếu tố “may rủi” trong khai thác trên biển.