Bổ sung Artemia cải thiện tỷ lệ sống trên tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình nuôi nhiều giai đoạn đang được áp dụng phổ biến trong nuôi tôm thâm canh ở nước ta. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của quy trình này là tăng trưởng chậm và tỷ lệ sống thấp trong giai đoạn đầu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Artemia vào giai đoạn đầu trong nuôi tôm nhiều giai đoạn.

Thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho các giai đoạn phát triển khác nhau của tôm. Artemia đã và đang được sử dụng phổ biến và khó có nguồn thức ăn nào có thể thay thế được trong ương nuôi nhiều đối tượng thủy sản như tôm, cá… nhờ giàu dinh dưỡng, sẵn có và tiện lợi trong quá trình sử dụng và bảo quản. Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất, việc nghiên cứu bổ sung thức ăn tự nhiên là Artemia vào giai đoạn đầu của quá trình nuôi thương phẩm sẽ giúp người nuôi có thêm giải pháp đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức khỏe tôm, giảm tác động xấu đến chất lượng nước nuôi do thức ăn thừa gây ra. 

Bổ sung Artemia trong giai đoạn đầu giúp đảm bảo dinh dưỡng cho tôm nuôi. Ảnh: Thefishsite

Nghiên cứu 

Đối tượng nghiên cứu là tôm thẻ chân trắng (TTCT) (Penaues vannamei Boone, 1931) giai đoạn Postlarvae 10 – 25, thời gian tiến hành thí nghiệm 15 ngày. Tôm trước và sau khi mua về được kiểm tra tình trạng sức khỏe, xét nghiệm bệnh. 

Nguồn nước dùng cho thí nghiệm: được bơm trực tiếp từ biển, lắng và xử lý bằng Chlorine 10 ppm, sục khí mạnh sau 48 giờ. Trước khi sử dụng, nước được kiểm tra và trung hòa Chlorine bằng Natrithiosulfate, và xác định các thông số môi trường để đảm bảo nằm trong phạm vi thích hợp với TTCT: nhiệt độ 27-310C, độ mặn 30-35‰, hàm lượng ôxy hòa tan 5 – 6 mg/lít, pH 7,8 – 8,2, độ kiềm 120 – 140 mg/lít, hàm lượng NH3 < 0,1 mg/lít. 

Lượng Nauplius Artemia cho ăn được định lượng theo mật độ trong thể tích ấp nở và sử dụng cho ăn trong ngày. Thể tích ấp nở trứng Artemia tương ứng 1 g/lít nước (350.000 trứng/g), độ nở 90%. 

Trong nghiên cứu này, bốn chế độ bổ sung Artemia được thử nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của lượng Artemia bổ sung vào chế độ cho ăn thức ăn công nghiệp lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của TTCT, giai đoạn đầu của quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn. 

Nghiệm thức 1: Tôm được cho ăn thức ăn công nghiệp (TĂCN), cho ăn 6 lần/ngày (6h, 9h, 12h, 16h, 19h và 22h) là nghiệm thức đối chứng. 

Nghiệm thức 2: Tôm được cho ăn thức ăn công nghiệp, chia làm 6 lần/ngày (6h, 9h, 12h, 16h, 19h và 22h) và bổ sung Artemia 1 lần/ngày (lúc 15h, với lượng 30 Artemia/tôm). 

Nghiệm thức 3: Tôm được cho ăn thức ăn công nghiệp, chia làm 6 lần/ngày (6h, 9h, 12h, 16h, 19h và 22h), và bổ sung Artemia 2 lần/ngày (lúc 15h00 và 21h00, với lượng 30 Artemia/tôm mỗi lần). 

Nghiệm thức 4: Tôm được cho ăn thức ăn công nghiệp, chia làm 6 lần/ngày (6h, 9h, 12h, 16h, 19h và 22h), và bổ sung Artemia 3 lần/ngày (lúc 08h00, 15h00 và 21h, với lượng 30 Artemia/tôm mỗi lần). 

Mỗi nghiệm thức được thực hiện với 05 lần lặp. Thời gian thí nghiệm là 15 ngày. Thức ăn công nghiệp được dùng cho thí nghiệm có hàm lượng protein 40% và lipid 6%. Tôm được cho ăn với khẩu phần 20% khối lượng thân/ngày cho hai ngày đầu tiên, ngày tiếp theo tăng 15 – 20% tổng lượng thức ăn/ngày so với ngày trước đó và lượng thức ăn được chia đều cho 6 lần như trên (6h00, 9h00, 12h00, 16h00, 19h00 và 22h00). 

Artemia cho ăn là Nauplius Artemia được thu ở giai đoạn Intar I có hàm lượng protein 60 – 70% và hàm lượng axit béo không no > 17%. 

Thí nghiệm được tiến hành trong xô nhựa hình trụ tròn có thể tích 60 lít/xô, được cấp nước ở mức 50 lít/xô. Tôm được thả nuôi với mật độ 100 con/xô, tương đương 2 con/lít nước. 

Kết quả 

Tỷ lệ sống của tôm: Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức bổ sung Artemia có sự khác biệt. Trong 5 ngày đầu, sự khác biệt về tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức đều không có ý nghĩa về mặt thống kê (P > 0,05) dao động từ 94,44 ± 1,92% đến 96,67 ± 3,33%, trong đó, nghiệm thức bổ sung Artemia 3 lần/ngày đạt tỷ lệ sống cao nhất 96,67 ± 3,33%. Đến ngày thứ 10, khi tỷ lệ sống của các nghiệm thức bắt đầu có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê dao động từ 83,33 ± 2,34% ở nghiệm thức đối chứng đến 93,56 ± 2,16% ở NT4. Sau 15 ngày nuôi, NT3 và NT4 có tỷ lệ sống cao nhất (80,02 ± 1,57%) so với các nghiệm thức còn lại và ở NT1 và NT2 có tỷ lệ sống thấp nhất (72,22 ± 3,85%) (P > 0,05). Như vậy, trong nghiên cứu này, trong 15 ngày ương nuôi của giai đoạn đầu tiên, việc bổ sung Artemia ở mức từ 60 Artemia/tôm/ngày đã góp phần làm giảm sự ăn nhau và cải thiện tỷ lệ sống của tôm. 

Sinh trưởng và sự phân đàn của tôm

Kích thước ban đầu của tôm thí nghiệm có chiều dài 8,9 ± 0,42 mm, kết quả thí nghiệm cho thấy tôm ở các nghiệm thức có bổ sung Artemia đều tăng trưởng tốt hơn so với NT1 theo thời gian nuôi. Kích thước giữa các nghiệm thức dao động trong khoảng từ 11,06 ± 0,56 mm đến 13,13 ± 0,58 mm sau 5 ngày nuôi, từ 14,73 ± 0,92 mm đến 17,2 ± 0,99 mm sau 10 ngày và dao động 20,63 ± 1,65 mm đến 22,4 ± 1,07 mm sau 15 ngày tiến hành. Sự khác biệt này đều có ý nghĩa thống kê. Có thể kết luận rằng mật độ Artemia bổ sung trong khẩu phần ăn sẽ ảnh hưởng đến kích thước của tôm đồng thời sự chênh lệch về kích thước sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với lượng Artemia bổ sung. Trong đó, với khẩu phần ăn được bổ sung lượng Artemia là 3 lần trên ngày thì tôm sẽ có kích thước lớn hơn so với khẩu phần ăn được bổ sung hàm lượng Artemia khác (2 hoặc 1 lần/ngày) hay 100% thức ăn công nghiệp (P < 0,05). 

Hiệu quả sử dụng thức ăn: Trong các nghiệm thức thí nghiệm, hệ số FCR từ 1,21 – 1,26, Artemia được bổ sung các mức khác nhau cũng không có ảnh hưởng đến FCR, có thể với mức bổ sung này Artemia chỉ đóng vai trò là chất kích thích tiêu hóa và chưa đủ để thay thế cho thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện để làm rõ điều này. Trong giai đoạn này, khẩu phần ăn chiếm 16,8% khối lượng tôm là vừa đủ. 

>> Có thể thấy rằng việc bổ sung Artemia trong giai đoạn đầu của quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn là cần thiết. Chế độ bổ sung được khuyến nghị là 2 lần/ngày, với 30 Artemia/ tôm/lần cho ăn nhằm tối ưu hóa cả hiệu quả kinh tế và kỹ thuật trong quá trình nuôi. 

Nguyễn Đình Huy và cộng sự

Viện NTTS, Trường Đại học Nha Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!