Cà Mau: Ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu có kết quả, sản phẩm cụ thể để chứng minh tại đợt kiểm tra lần thứ 5 của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC). Đồng thời, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Cà Mau khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, đảm bảo 100% ngư dân nắm được các quy định về chống khai thác IUU, những quy định mới của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Tỉnh Cà Mau thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Ảnh: ST

Chủ tàu có tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU thực hiện cam kết không vi phạm, không đưa tàu cá ra biển hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định; tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU được theo dõi, giám sát chặt chẽ, đảm bảo 100% hồ sơ số hóa đạt yêu cầu để cung cấp kịp thời theo đề nghị của Đoàn thanh tra EC hoặc cơ quan Trung ương.

Không còn tàu cá của tỉnh Cà Mau khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý gây ảnh hưởng đến công tác khắc phục “thẻ vàng”, góp phần để nghề cá địa phương đi vào khuôn khổ, ngư dân tuân thủ pháp luật và kinh tế biển của địa phương phát triển bền vững.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp quản lý nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Các vụ việc vi phạm về khai thác IUU được điều tra, xác minh, xử phạt, xử lý hình sự (nếu đủ căn cứ); trường hợp không đủ căn cứ xử phạt, xử lý hình sự sẽ tiến hành báo cáo cấp thẩm quyền xếp hồ sơ theo quy định. 

Trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, tỉnh Cà Mau yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá; rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, đăng ký lại tàu cá; không cho hoạt động khai thác thủy sản. Kiểm soát tàu cá không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn và áp dụng các biện pháp quản lý để đảm bảo các tàu cá này không tham gia hoạt động.

Thực hiện giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, thực hiện eCDT, nhập dữ liệu tại cảng cá theo quy định. Yêu cầu tất cả tàu cá tham gia hoạt động phải thực hiện các thủ tục rời, cập cảng và bốc dỡ sản phẩm tại cảng; xuất, nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng theo quy định của pháp luật.

Lập danh sách đối tượng nguy cơ cao vi phạm (chủ tàu, ngư dân đã vi phạm, thường xuyên mất kết nối VMS; môi giới đưa tàu cá và ngư dân hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài), đặc biệt tại các xã, phường có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân thay thế thiết bị VMS đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP. Cùng với đó, yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị VMS phối hợp kiểm tra, hướng dẫn ngư dân lắp đặt, kết nối thiết bị VMS với nguồn điện thường xuyên, ổn định trên tàu cá; Hoàn thiện hồ sơ, quyết định xử phạt 1.410 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét mất kết nối VMS trên 06 giờ trên biển không báo cáo vị trí về bờ nhiều lần (05 lần trở lên), 148 tàu cá mất kết nối VMS trên biển trên 10 ngày không về bờ.

Đợt này, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại cảng cá để hỗ trợ ngư dân thực hiện hệ thống eCDT. Đồng thời yêu cầu toàn bộ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia hoạt động thực hiện rời, cập cảng trên eCDT tại tất cả cảng cá được công bố mở, cũng như thực hiện giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên hệ thống eCDT.

Bên cạnh đó, huy động cán bộ chuyên môn, cán bộ các ngành, đoàn thể cấp xã; cấp huyện và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh điều tra, xác minh, lập hồ sơ số hóa tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; thực hiện các biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tập trung kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo không để xảy ra sai sót khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra. Đồng thời, đề xuất khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc; kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!