T2, 06/07/2020 09:59

Cà Mau: Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trước bộn bề thách thức: Đối mặt khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khi nghề nuôi tôm đang phải đối mặt với tình trạng tôm chết hàng loạt thời gian qua thì ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đang phải đối mặt với khó khăn từ nhiều phía. Những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, sự bất ổn trong xuất khẩu thủy sản đã đẩy ngành kinh tế mũi nhọn này đứng trước nguy cơ bị “hạ gục” trên thương trường quốc tế.

Những khó khăn kéo dài từ năm 2011 đến nay chưa có cách giải quyết hợp lý đã đẩy nhiều công ty, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đứng bên bờ vực phá sản. Trong số 37 nhà máy, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện chỉ có khoảng 40% hoạt động hiệu quả.

Số còn lại có đến 30% đang hoạt động cầm chừng và 30% còn lại (khoảng 11 nhà máy, xí nghiệp) được xếp vào “danh sách đen”, đứng trước nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào.

 

Khó khăn tứ bề

Chế biến tôm nguyên liệu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Thùy Trâm

 

Mặc dù những tháng đầu năm 2012, ngành thủy sản mang về cho tỉnh kim ngạch xuất khẩu trên 175 triệu USD. Song, các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với khó khăn từ nhiều phía.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), nhận định, khó khăn của ngành năm nay không mới so với năm trước. Tuy nhiên, mức độ ngày càng trở nên trầm trọng hơn, số nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ phá sản hay đóng cửa đang có chiều hướng tăng nhanh.

Nguyên nhân làm cho khoảng 11 nhà máy, xí nghiệp đứng trước bờ vực phá sản hay buộc phải đóng cửa không chỉ xuất phát từ thiếu vốn và lãi suất ngân hàng cao. Nó còn có nguyên nhân từ việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, thị trường xuất khẩu biến động liên tục, khó lường do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một số thị trường chính như Mỹ và Nhật Bản thời gian gần đây rất khó khai thác.

Một nghịch lý nữa đang tồn tại là, trong khi nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được công suất chế biến hiện tại nhưng số lượng nhà máy xây mới lại cứ mọc lên. Mặc dù tỉnh có chủ trương không cho xây mới nhà máy từ nhiều năm nay nhưng năm 2011 vừa qua có 3 nhà máy, xí nghiệp được xây mới.

Với tốc độ phát triển nguồn nguyên liệu như hiện nay chỉ tăng bình quân 7%/năm, thì phải đến năm 2016 sản lượng thủy sản mới đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu chế biến của các nhà máy hiện có trên địa bàn. Ông Thuận khẳng định, nếu không có giải pháp hợp lý ngay từ bây giờ thì việc hàng loạt các công ty, nhà máy chế biến phá sản trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, một khó khăn khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải đau đầu là chất lượng nguồn nguyên liệu. Vấn đề này không chỉ xuất phát từ quy trình sản xuất của người dân hay vùng nguyên liệu của tỉnh, mà là công tác quản lý nguyên liệu đầu vào cũng như trang thiết bị của các nhà máy chế biến còn nhiều hạn chế.

Hệ lụy của nó để lại là đã có 700 tấn hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thị trường khó tính trả về trong năm 2011. Điều này không chỉ thiệt hại về kinh tế mà quan trọng nhất là uy tín hàng hóa của các doanh nghiệp bị giảm sút và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần.

 

Thiếu sự phối hợp

Thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường biến động khó lường, lãi suất ngân hàng cao chỉ là phần nổi. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khó khăn như hiện nay chính là thiếu sự phối hợp, liên kết. Mặc dù thời gian qua, nhiều hiệp hội hoạt động trên lĩnh vực này ra đời nhưng các tổ chức này vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình.

Công việc quan trọng là phải bắt tay liên kết nhưng lại không được quan tâm thực hiện. Liên kết, hợp tác ở đây không chỉ có Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp là đủ, mà nó đòi hỏi phải có sự liên kết vùng, khu vực và cả nước.

Tôm sú là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ngành thủy sản Cà Mau

 

Ông Thuận thừa nhận, hoạt động của các hiệp hội, liên minh trong thời gian qua chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Một phần xuất phát từ công tác quản lý, một phần do bản chất của các chủ doanh nghiệp hiện còn mang tính quá nông dân.

Tuy trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, nhiều chương trình liên kết, hợp tác đã được đề ra và nhiều biên bản được ký kết nhưng khi ra về thì mạnh ai nấy làm, mỗi doanh nghiệp cứ sản xuất kinh doanh theo cách riêng của mình.

Một điều bất hợp lý trong nâng cao chất lượng nông – thủy sản là công tác quản lý các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng còn rất hạn chế. Các ngành chức năng có đưa ra danh mục hóa chất cấm, kháng sinh không được dùng nhưng lại không chỉ ra cho người dân biết được phải sử dụng chất gì, thuốc nào để thay thế sao cho hiệu quả, hợp lý.

Mặt khác, về phía nông dân cũng không để ý là hoạt chất đó có cấm hay không, ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sinh thái.

Ông Trương Văn Minh, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhìn nhận, nếu dịch bệnh xảy ra thì trước tiên mình phải tự cứu lấy mình trước, cứu lấy khối tài sản và công sức của mình. Lúc ấy thuốc nào hiệu quả là mua về sử dụng ngay.

Sự thiếu liên kết không chỉ xảy ra trong doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp mà trong công tác quản lý của ngành chức năng thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Đó là hàng loạt các nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn trong thời gian qua.

Nguyễn Phú

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!