Với mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Hồ Hoàng Tám (ấp Tân Long C, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi), người nuôi được tiếp cận khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm tại ao nuôi. Từ đó, nhiều hộ nuôi thất bại nhiều vụ nay có được thành công ngoài mong đợi.
Lợi ích kép
Mô hình trình diễn lớp học do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau tổ chức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tại ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của ông Hồ Hoàng Tám, các học viên đều ngỡ ngàng trước sự thành công, sức lớn của tôm nuôi. Chỉ 69 ngày nuôi mà tôm đạt kích cỡ 65 con/kg, mật độ nuôi 70 con/m2; đây là điều mà bao người dân nuôi tôm công nghiệp tại Tân Tiến nằm mơ cũng không có.
Học viên Lê Công Lý nói: “Người nuôi tôm chúng tôi đa số nuôi tự phát, không kỹ thuật nên anh em chưa bao giờ thấy tôm mau lớn và thành công như lớp học này. Cũng nhờ lớp học này mà mọi người thấy được cách diệt khuẩn, xử lý nước, xử lý môi trường ao tôm đang nuôi hay vấn đề cho tôm ăn… Đây là những điều cần thiết mang lại hiệu quả sản xuất cho người nuôi”.
Nông dân, học viên lớp học nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long C tại mô hình của ông Hồ Hoàng Tám – Ảnh: Diệu Lữ
Nhiều chị em trong ấp đam mê mô hình nuôi tôm công nghiệp cũng nhận thấy ý nghĩa mà mô hình lớp học mang lại cho mình. Chị Trần Hồng Hoa (ấp Tân Long C) cho biết, hai vụ nuôi trước không nắm rõ kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Nhưng qua tham quan mô hình nuôi tôm tại nhiều nơi, đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình.
Ông Hồ Hoàng Tám, chủ hộ thực hiện mô hình, nhìn nhận: Kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi của anh em đã qua còn nhiều thiếu sót, cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Từ lớp học này, tất cả anh em đã nắm bắt và tự chủ được, khi thực hiện mô hình. Dự kiến đợt này ông Tám thu lãi trên 300 triệu đồng.
Hiệu quả và nhân rộng
Năm 2015 nuôi tôm công nghiệp tại xã Tân Tiến cũng chưa khởi sắc so với những năm trước đó; bởi tình hình dịch bệnh trên gan tụy, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp và trên hết là kỹ thuật của nông dân còn hạn chế (chủ yếu làm theo kinh nghiệm, phát triển theo phong trào mà không có trang bị đầy đủ kỹ thuật).
Do đó, việc áp dụng hình thức trình diễn mô hình tại hiện trường là điểm nhấn cho phong trào nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã; theo đó, đã đổi mới về chất, hiệu quả và bền vững hơn.
Ông Hồ Hoàng Tám phấn khởi trước hiệu quả mô hình
Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Mai Việt Triều cho biết, trước tình hình trên, UBND xã đã liên kết với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tổ chức lớp học tại hiện trường, cho hiệu quả cao. Đa số người nuôi tôm vừa học tại mô hình trình diễn vừa thả nuôi tại gia đình để thực hiện theo kỹ thuật đã được học tại ao nuôi. Đến nay 20 học viên này đều thành công trên 90%. Có lẽ đây là khởi đầu cho người dân nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong năm nay.
Cùng đó, qua các lớp học này, người dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý cũng như cách làm hay qua việc trao đổi tại hiện trường, sự chia sẻ thông tin con giống, vật tư đầu vào có chất lượng…
>> Ông Mã Quy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau: Năm 2015, Trung tâm triển khai 7 mô hình lớp học tại hiện trường, đều mang lại thành công cho nông dân. Ngoài ý nghĩa giúp người dân có điều kiện vừa học vừa thực hành, trao đổi kinh nghiệm nuôi, thì ý nghĩa cộng đồng là một yếu tố góp phần giúp người nuôi tôm thành công hơn. |