Cẩn trọng bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm do biến động thời tiết

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời điểm này, những cơn mưa đầu mùa liên tiếp xảy ra ở các tỉnh vùng ĐBSCL gây biến động môi trường ao nuôi và phát sinh dịch bệnh trên tôm. Theo kết quả giám sát dịch bệnh và kết quả xét nghiệm mẫu tôm thiệt hại thời gian qua đều cho thấy có sự hiện diện của các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh vi bào tử trùng (EHP).

Qua giám sát tại vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có sự xuất hiện của bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử trùng; các bệnh truyền nhiễm lưu hành khá cao trên mẫu giám sát đã gây thiệt hại cho tôm nuôi. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục, cá biệt có đến 10 mẫu dương tính kép với 2 loại bệnh và 4 mẫu dương tính cùng lúc với 3 loại bệnh, tại 3 vùng nuôi trọng điểm là: TX Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung.

Bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm. Ảnh: BQT

Tại Bạc Liêu, những năm gần đây, người nuôi tôm địa phương lo sợ nhất là bệnh EHP vì con tôm bị bệnh không chết nhưng ăn hoài mà không lớn. Năm nay, số diện tích bị bệnh này cũng khá nhiều và lây lan nhanh.

Không chỉ có Sóc Trăng, Bạc Liêu, qua tìm hiểu tại một số tỉnh nuôi tôm trong khu vực hiện cũng đã xuất hiện bệnh EHP và một số bệnh nguy hiểm khác trên tôm. Theo phiếu trả kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Phân tích – kiểm nghiệm TVU, Trường Đại học Trà Vinh cho khách hàng ở TX Duyên Hải (Trà Vinh), trong số 32 mẫu gởi đến trung tâm thì có đến 28 mẫu cho kết quả dương tính với EHP; 3 mẫu của khách hàng ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cũng đều dương tính với EHP. Theo những nông dân nuôi tôm ở TX Duyên Hải, từ đầu tháng 5 đến nay có khá nhiều ao tôm chậm lớn, khi lấy mẫu xét nghiệm hầu hết đều cho kết quả đã bị bệnh EHP, kể cả những ao nuôi lót bạt đáy hay ao tròn nổi.

Được biết, khoảng 1 tháng nữa là toàn vùng ĐBSCL sẽ bước vào thu hoạch rộ tôm chính vụ và cùng với đó là số diện tích thả nuôi sớm đã thu hoạch xong, đang thả lại vụ 2 tương đối nhiều. Tuy nhiên, người nuôi cũng không dám đặt nhiều kỳ vọng vào vụ nuôi này vì đây là thời điểm mà thời tiết hay bất thường và dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bệnh EHP là bệnh do ký sinh trùng nội bào, đến nay chưa có thuốc điều trị, nên việc sử dụng kháng sinh để phòng, chống bệnh là không hiệu quả. Do đó, khi phát hiện tôm chết bất thường hoặc có biểu hiện chậm lớn khoảng 25 ngày sau thả nuôi, người nuôi nên khai báo với thú y cơ sở, cơ quan thú y của địa phương để được kiểm tra xác định nguyên nhân và hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Để phòng bệnh EHP, người nuôi cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để quản lý ao tôm, như: hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi, thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng; nguồn nước nuôi (thay mới hoặc bổ sung vào ao nuôi) phải được khử trùng; bờ ao phải được quây lưới chắn giáp xác và có biện pháp xua đuổi chim cò tự nhiên; cơ sở nuôi tuyệt đối không thực hiện san thưa tôm từ ao bệnh sang ao khác trong toàn bộ quá trình nuôi để tránh lây nhiễm bệnh từ ao này sang ao khác.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!