Cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản còn quá thấp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vừa qua, tại Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại ĐBSCL”.

Theo Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận mã số. Đến nay, 8 tỉnh có nuôi tôm nước lợ mới cấp được 1.790 cơ sở (đạt khoảng 0,4%), trong đó nhiều nhất là Sóc Trăng với 1.502/39.99 cơ sở (đạt gần 3,8%), tiếp đến Kiên Giang 210 cơ sở; Bến Tre 42 cơ sở; Tiền Giang 16 cơ sở; Cà Mau 12 cơ sở; Bạc Liêu 7 cơ sở; Trà Vinh 1 cơ sở.

Về cá tra, hiện đã cấp mã số cho 5.408 ao nuôi của 1.097 cơ sở. Tuy nhiên, thực tế thấp hơn. Điển hình như TP Cần Thơ, trước đây báo cáo cấp mã số cho 100% cơ sở nuôi nhưng hiện nay thực tế mới cấp được 142/250 cơ sở phải cấp, Sóc Trăng cấp được 2/10 cơ sở, Tiền Giang 4/24.

Quang cảnh hội nghị

Chi cục Thủy sản Cần Thơ giải thích lý do trước đây cấp mã số 100% cơ sở nuôi cá tra mà nay chỉ còn gần 57%: “Đa số hộ nuôi cá tra nhiều năm liền trên đất ruộng và đất trồng cây lâu năm nhưng lại chưa được chuyển mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản. Số khác nuôi trên đất bãi bồi chưa được giao quyền sử dụng hoặc cho thuê của cơ quan có thẩm quyền”. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc cấp mã số với con tôm gặp khó.

Còn việc nuôi lồng bè, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Long An nêu thực trạng chung: “Chưa có cơ sở nuôi nào được Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng thủy sản (qui định tại Điểm b Khoản 1 Điều 163 Luật Đất đai 2013), nên chưa đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi lồng bè trên sông“.

Dù có nhiều khó khăn nhưng Luật Thủy sản đã quy định nên đại diện các địa phương cũng bày tỏ sẽ nỗ lực thực hiện. Nhất là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản nuôi của các thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ… ngày càng rõ ràng, dứt khoát và việc cấp mã số cơ sở nuôi là điều kiện bắt buộc nếu thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Nuôi trồng thủy sản phải chấp hành quy định của Luật Thủy sản, quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc bàn giải pháp tháo gỡ. Trước tiên, những cơ sở nuôi trong quy hoạch, có giấy tờ đất hợp lệ là phải đăng ký và được cấp mã số”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!