Chăm sóc thủy sản mùa nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay, thời tiết diễn biến tương đối phức tạp và thất thường, nhiệt độ tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản. Do đó, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, chống nóng để thủy sản phát triển ổn định.

Quản lý

Che phủ một phần diện tích nuôi để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá (bèo tây, lưới đen…) khi nắng nóng kéo dài. Đối với nuôi ao, chủ động nâng và duy trì mức nước ở mức giao động từ 1,3 – 1,5 m.

Sử dụng các thiết bị tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan như máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… để tăng ôxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

Đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, tránh nguồn nước thải sinh hoạt. Quản lý tốt môi trường ao nuôi, định kỳ thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học, thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp cho thủy sản nuôi như: nhiệt độ nước từ 26 – 280C; Độ trong 30 – 40 cm; pH 6,5 – 8 (đối với ao nước ngọt), 7,5 – 8,5 (đối với ao mặn lợ); hàm lượng ôxy hoà tan > 3 mg/lít; độ kiềm 80 – 120 mg/lít…

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của thủy sản để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Ảnh: Chúc Ly

Trong mùa nắng nóng, quá trình trao đổi chất của các loài vi sinh vật, tảo tăng mạnh sẽ trực tiếp cạnh tranh ôxy hòa tan trong nước đối với đàn cá nuôi. Vì vậy người nuôi phải thường xuyên theo dõi ao nuôi, khi thấy hiện tượng cá nổi đầu vào chập tối và sáng sớm là khi hàm lượng ôxy hòa tan xuống thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của đàn cá. Để đảm bảo đủ hàm lượng ôxy, cần phải bơm thêm nước sạch vào ao; sử dụng các thiết bị bổ sung ôxy hòa tan như: máy phun mưa, quạt nước, sủi khí vào ban đêm thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Đối với hình thức nuôi công nghiệp với mật độ nuôi cao, người nuôi có thể sử dụng Test kiểm tra hàm lượng ôxy hòa tan và Test đo amoniac vào sáng sớm và chiều tối để có biện pháp bổ sung ôxy phù hợp và hiệu quả.

Định kỳ 10 – 15 ngày/lần dùng vôi bột liều lượng 1 – 2 kg/100 m3 hòa tan vào nước để tạt bề mặt ao, tiêu diệt mầm bệnh. Tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi phải được ủ hoai, ủ với vôi lượng 2 – 3% vôi cho 100 kg phân ủ phân một tháng sau đó bón xuống ao để tránh mầm bệnh. 

Cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, làm sạch và bảo vệ môi trường vùng nuôi. Khi cấp nước, thay nước ao nuôi cần kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường nước trước khi lấy nước vào ao nuôi. Các hộ nuôi cần có ao chứa lắng để có nguồn nước phục vụ sản xuất thủy sản đảm bảo.

Đối với hình thức nuôi ruộng, cần bảo đảm lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đóng cống, nén chặt bờ. Đào mương hoặc tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho thủy sản vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho ăn, thu hoạch. Nếu ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2 – 3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc ven bờ ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2 – 3% tổng diện tích ruộng.

Đối với hình thức nuôi cá lồng bè, cần vệ sinh lồng bè thường xuyên, đảm bảo lồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ để nước trong và ngoài lồng được lưu thông. Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Trong trường hợp bất lợi, cần có biện pháp di chuyển lồng đến nơi thích hợp. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lồng xuống, đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5 – 3 m. Treo túi vôi ở các góc lồng nuôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh, mỗi lồng nên treo 1 – 2 túi vôi bột, mỗi túi từ 3 – 4 kg vôi bột

Quản lý đáy ao sạch không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định, trong nước ít chất lơ lửng, có ít bọt, tảo tàn. Xi phông đáy ao sau mỗi bữa cho ăn, tăng cường thay nước vào ban đêm; diệt khuẩn nước và cho ăn thuốc khi phát hiện nước bẩn và thủy sản nhiễm khuẩn.

Chăm sóc

Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao. Chế độ cho ăn hợp lý với số lượng thủy sản nuôi, vào những ngày nắng nóng trên 350C, chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60 – 70% so với bình thường. Thường xuyên bổ sung Vitamin C với liều lượng thích hợp để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Hạn chế đánh bắt, san thưa, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm khi có hiện tượng thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Chủ động giảm mật độ nuôi phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và khả năng quản lý chăm sóc.

Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của thủy sản để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Cho thủy sản vào thời điểm mát mẻ trong ngày, loại bỏ hết thức ăn thừa, cành, lá cây, xác cá chết… ra khỏi ao nuôi.

Những ao, lồng nuôi thủy sản đã đạt cỡ thương phẩm cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!