Chiến lược ứng phó virus TiLV – Mối đe dọa của ngành nuôi cá rô phi toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tilapia Lake Virus (TiLV) là virus gây bệnh nghiêm trọng trên cá rô phi với tỷ lệ chết cao. Virus này lây lan nhanh chóng qua nhiều con đường, bao gồm cá nhiễm bệnh, nguồn nước ô nhiễm và thương mại cá giống toàn cầu.

Lây lan nhanh

Lĩnh vực nuôi cá rô phi từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong ngành thủy sản toàn cầu, cung cấp nguồn thực phẩm bền vững và giá cả phải chăng cho hàng triệu người. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành này đối mặt với một thách thức nghiêm trọng: sự xuất hiện của virus TiLV. 

Tilapia tilapinevirus (TiLV), thuộc họ Amnoonviridae và chủng Tilapinevirus, lần đầu được phát hiện và công bố vào năm 2014 tại biển hồ Galilee, Israel. Nghiên cứu ban đầu ghi nhận sản lượng cá rô phi tại khu vực này sụt giảm đáng kể từ năm 2009, trùng với thời điểm gia tăng các ca nhiễm TiLV ở cá hoang dã. Kể từ đó, virus này đã xuất hiện tại ít nhất 17 quốc gia như Ecuador, Colombia, Peru, Ai Cập, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Mỹ và nhiều nước khác. TiLV lây lan qua hai con đường: lây ngang giữa các cá thể cùng thế hệ trong môi trường nước chung và lây dọc từ cá bố mẹ sang trứng hoặc ấu trùng, với trường hợp đã được ghi nhận ở ấu trùng chỉ mới 2 ngày tuổi.

TiLV có thể truyền theo cơ chế phân – miệng và lan rộng trong cùng một bể nuôi. Việc phát hiện TiLV ở giai đoạn ấu trùng sớm cho thấy khả năng lây truyền từ trứng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mang mầm bệnh từ trại giống đến cơ sở nuôi thương phẩm – một thách thức nghiêm trọng đối với an toàn sinh học. Bên cạnh đó, một số loài thân mềm, thủy sinh vật và động vật không xương sống cũng được nghi ngờ là vật chủ trung gian, dù cần thêm bằng chứng để khẳng định. Tóm lại, sự đa dạng trong các con đường lây nhiễm khiến việc kiểm soát TiLV trở nên phức tạp, đòi hỏi chiến lược phòng ngừa đồng bộ và hiệu quả.

Các yếu tố gây bùng phát dịch

Mặc dù TiLV chỉ mới được phát hiện gần đây, một số yếu tố nguy cơ trực tiếp đã được xác định là góp phần đáng kể vào sự lây lan của virus, bao gồm:
• Sự xuất hiện với mật độ cao của cá nhiễm bệnh, dù trong tự nhiên hay trong hệ thống nuôi
• Nhiệt độ nước dao động từ 25 – 31°C

Bên cạnh đó, bất kỳ yếu tố nào làm suy yếu hệ miễn dịch của cá đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, chẳng hạn như:
• Môi trường sống không tối ưu
• Mật độ nuôi quá cao
• Sự xuất hiện của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cơ hội

Những yếu tố này có thể làm giảm khả năng đề kháng hoặc gây mất cân bằng nội môi, khiến cá phải tiêu tốn nhiều năng lượng để duy trì các chức năng sinh lý cơ bản.

Dấu hiệu lâm sàng 

Phát hiện sớm cá nhiễm TiLV rất quan trọng để áp dụng kịp thời các biện pháp cách ly, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Dấu hiệu lâm sàng ở cá khác nhau tùy thuộc vào loài, độ tuổi và trạng thái miễn dịch, gồm có:

  1. Lồi mắt (Exophthalmia) và đục thủy tinh thể một hoặc cả hai bên (Cataract): Cá nhiễm thường có hiện tượng lồi mắt kèm sưng nhãn cầu, là triệu chứng đặc trưng của bệnh.
  2. Mang nhợt nhạt: Mang cá chuyển từ màu nhạt sang nâu đỏ, dấu hiệu phổ biến khi bị nhiễm.
  3. Tổn thương da: Xuất hiện vết loét, xuất huyết, đặc biệt quanh miệng và vây.
  4. Hành vi bất thường: Cá bơi loạng choạng, lờ đờ hoặc mất phương hướng.
  5. Giảm ăn: Cá giảm thèm ăn, dẫn đến ăn uống kém và tăng trưởng chậm.

Nhận biết sớm các triệu chứng này là yếu tố then chốt giúp triển khai biện pháp cách ly hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan trong trại nuôi.

Chẩn đoán TiLV

Việc chẩn đoán chính xác đóng vai trò then chốt trong quản lý hiệu quả các đợt bùng phát và ngăn ngừa sự lan truyền của TiLV. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:

  1. Kỹ thuật phân tử: Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) nhắm vào các vùng đặc hiệu của hệ gene TiLV, được sử dụng rộng rãi nhờ độ nhạy và tốc độ cao.
  2. Phân lập virus: Nuôi cấy tế bào giúp phân lập và đặc trưng hóa virus TiLV trong phòng thí nghiệm.
  3. Xét nghiệm huyết thanh học: Các phương pháp ELISA và phản ứng kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFAT) phát hiện kháng thể đặc hiệu với TiLV trong huyết thanh cá rô phi, cung cấp dữ liệu về phản ứng miễn dịch.
  4. Giải phẫu bệnh học: Viêm gan hợp bào là dấu hiệu mô bệnh học phổ biến nhất trong các đợt bùng phát TiLV ở cá rô phi.

Sự kết hợp các kỹ thuật trên nâng cao độ chính xác và độ tin cậy trong phát hiện TiLV, giúp triển khai kịp thời các biện pháp kiểm soát, hạn chế sự lây lan.

Chiến lược phòng ngừa

Ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của TiLV trong trại nuôi cá rô phi là yếu tố then chốt để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Các chiến lược chủ đạo bao gồm:

  1. An toàn sinh học: Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát vận chuyển cá, khử trùng thiết bị và giám sát nguồn nước nhằm giảm thiểu nguy cơ virus xâm nhập.
  2. Giám sát sức khỏe: Theo dõi thường xuyên và sàng lọc cá để phát hiện sớm TiLV cùng các mầm bệnh khác, từ đó kịp thời cách ly và xử lý.
  3. Chọn giống kháng bệnh: Phát triển các dòng cá rô phi có khả năng kháng TiLV cao, giúp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm và thiệt hại trong các đợt dịch.
  4. Giáo dục và đào tạo: Nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý của người nuôi cá về TiLV, bao gồm các biện pháp an toàn sinh học, giám sát và cải tiến di truyền, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh.
  5. Tiêm phòng TiLV: Đây là phương pháp tiềm năng trong kiểm soát và ngăn chặn bệnh.

Phương pháp tiếp cận toàn diện này giúp các bên liên quan chủ động bảo vệ sức khỏe đàn cá và duy trì hiệu quả sản xuất.

Phát triển vaccine 

Dưới tác động của TiLV, nghiên cứu vaccine đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây với một số loại tiềm năng như sau:

  1. Vaccine bất hoạt: Chứa virus TiLV đã được làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên tính kháng nguyên. Khi tiêm vào cá, vaccine kích thích cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu, giúp bảo vệ trước khi tiếp xúc với virus thật.
  2. Vaccine tái tổ hợp: Ứng dụng công nghệ gen để tạo ra protein hoặc kháng nguyên TiLV dưới dạng protein tái tổ hợp hoặc vectơ virus. Khi vào cơ thể cá, các kháng nguyên này kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
  3. Vaccine DNA: Chứa đoạn DNA mang gen kháng nguyên TiLV, được đưa vào tế bào cá để kích thích hệ miễn dịch. Ưu điểm của vaccine DNA là tính ổn định cao, dễ sản xuất và chi phí thấp.

Mặc dù đã có nhiều tiến triển, phát triển vaccine TiLV vẫn đối mặt với các thách thức về phê duyệt, phân phối và chi phí. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để vượt qua rào cản, thúc đẩy tiến bộ công nghệ vaccine này.

Natan Wajsbrodt

Chuyên gia bệnh học và quản lý sức khỏe cá, Phibro Animal Health Corp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!