Trong một phát triển bất thường mà các nhà nghiên cứu gọi là bằng chứng của sự thích nghi, một số con cá trê ở một con sông thuộc nước Pháp đã phóng lên cạn để bắt sống chim bồ câu.
Ed Yong của Tạp chí Discover viết: “Những con cá đặc biệt này đã phóng lên khỏi mặt nước, đớp một con chim bồ câu rồi ngoe nguẩy luồn xuống nước để nuốt con mồi. Trong hành động này, chúng giữ thân ở trên cạn mấy giây liền”.
Các nhà nghiên cứu đã ghi lại được hình ảnh của những con cá trê này ở sông Tarn, tây nam nước Pháp. Trong đoạn clip, một số con cá lao từ bờ nông lên trên cạn, bắt con mồi rồi kéo chúng xuống dưới nước.
Một số con cá voi sát thủ cũng từng có hành vi tương tự, mặc dù chúng có thể sống sót trên cạn trong một khoảng thời gian ngắn.
Julien Cucherousset thuộc trường Đại học Paul Sabatier ở Toulouse đã miêu tả những con cá trê này là “cá voi sát thủ nước ngọt”.
Các kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Plos One. Nghiên cứu có đoạn viết:
“Trong tổng số 45 hành vi lên cạn đã được quan sát và ghi hình, 28% trong số đó thành công trong việc bắt chim… Vì hành vi cực độ này chưa từng được nêu ra trong bản tính của loài này, các kết quả của chúng tôi gợi ra rằng một số cá thể trong các loài động vật ăn thịt có thể điều chỉnh hành vi của mình để tìm kiếm con mồi trong các môi trường mới, dẫn tới chuyên môn hóa hành vi và dinh dưỡng nhằm vượt qua phân giới trên bờ – dưới nước.