Đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, một chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm (ATTP) hoàn chỉnh phải từ con giống, cho đến nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xuất khẩu. Với ngành cá tra, các doanh nghiệp cần phối hợp để lại xây dựng chuỗi, gắn với vùng nuôi, ao nuôi, theo tổ chức HTX, nhằm xây dựng một chuỗi kiểm soát được an toàn, đảm bảo nguồn cung, giảm được chi phí.

Yếu kém về liên kết

Chia sẻ tại Hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, cá tra Việt Nam có thể nói là lợi thế “độc tôn”, nhưng nếu không biết nâng giá trị con cá tra lên thì một thời gian nữa chúng ta sẽ tự đánh mất thế mạnh. Bởi điểm hạn chế lớn nhất của ngành hàng này chính là chưa có tiếng nói chung, chưa tạo được chuỗi liên kết bền vững.

Ngành cá tra cần chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn, kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu quốc tế truy xuất nguồn gốc. Ảnh: LHV

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở nuôi còn sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi cá tra và không được xử lý triệt để; một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt. Tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm tại một số thị trường nhập khẩu; số cơ sở chế biến tự xây dựng chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến đảm bảo ATTP chưa nhiều. Ngoài ra, công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm ATTP đối với cơ sở nuôi, cơ sở ương giống còn nhiều hạn chế…

Tăng cường quản lý

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 207 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích 418 ha. Trong đó, 27 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 117,9 ha, cung cấp 34.000 tấn cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện, có 44 cơ sở ương dưỡng và 6 cơ sở vừa sản xuất, vừa ương dưỡng cá tra giống; trong đó có 2/44 cơ sở ương dưỡng và 6 cơ sở vừa sản xuất, vừa ương dưỡng cá tra đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất với diện tích trên 30 ha. Công tác kiểm dịch con giống thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được thực hiện đầy đủ, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nuôi…

Ðến nay, tại TP Cần Thơ, công tác quản lý vùng nuôi đã thực hiện thẩm định, chứng nhận và cấp giấy chứng nhận ATTP cho 68/207 (4 loại A, 64 loại B) cơ sở nuôi cá tra theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; có 139 cơ sở nuôi cá tra đã thực hiện ký cam kết đảm bảo sản xuất ATTP theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT… Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ hướng dẫn ký cam kết đảm bảo ATTP cho 14 phương tiện vận chuyển độc lập cá da trơn trên địa bàn thành phố theo quy định; định kỳ hằng năm tổ chức việc tuân thủ các nội dung đã cam kết của chủ các phương tiện vận chuyển độc lập này…

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đầu năm 2023 đến nay, đã thanh tra tổng số 12 cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn thành phố. Kết quả các cơ sở trên đều chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực NTTS. Tổ chức lấy mẫu nước, kiểm tra dư lượng một số kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nuôi cá tra tập trung với tần suất 3 lần/năm; tổ chức giám sát chỉ tiêu chất lượng nước trong quá trình nuôi theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-20:2014/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT… Cụ thể, trong công tác triển khai giám sát dư lượng các chất độc hại theo Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ tháng 5/2021 – 7/2023, ngành nông nghiệp thành phố đã thu tổng số 280 mẫu (cá tra giống, cá tra thương phẩm, cá trê giống, cá trê thương phẩm, cá nheo Mỹ giống, cá nheo Mỹ thương phẩm) để giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh theo kế hoạch. Kết quả trong giai đoạn này có 5/280 mẫu cá tra phát hiện không đạt yêu cầu, tỷ lệ 1,78%. Ðối với các mẫu phát hiện vi phạm được điều tra nguyên nhân, đình chỉ thu hoạch và yêu cầu nuôi lưu cho đến khi có kết quả lấy mẫu đạt yêu cầu theo quy định.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển ngành cá tra, đây cũng là lĩnh vực phát triển kinh tế chủ lực của toàn tỉnh, Đồng Tháp có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích trên 1.627,6 ha mặt nước, trong đó, có 661,7 ha của 24 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu và 965,9 ha của hộ cá thể. Áp dụng thực hành NTTS tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với trên 42% diện tích thả nuôi. Thực hiện đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 74 cơ sở, (kết quả có 20 cơ sở xếp loại A và 54 cơ sở xếp loại B); tổ chức tập huấn 113 cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ và 60 ghe vận chuyển ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!