T5, 19/05/2022 09:00

Đan thúng chai bên dòng Trà Bồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề đan thúng chai Đông Yên được hình thành hàng thế kỷ qua ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) từ nghiệp đi biển của người dân nơi đây. Đây là nghề không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn gắn bó, tạo nên một nếp sống đẹp của người dân Đông Yên.

Bên dòng sông Trà Bồng thơ mộng, hai bên bờ sông với những lũy tre xanh như “lá chắn sống” không chỉ bảo vệ cư dân sinh sống ở đôi bờ khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mà còn là nguồn nguyên liệu quý để nhiều người thợ của địa phương tạo ra sản phẩm thúng chai độc đáo.  Thúng chai từ lâu luôn hiện hữu trong đời sống ngư dân ở những làng chài ven biển và trên mỗi chiếc tàu đánh cá vươn ra giữa biển khơi.

Ông Nguyễn Văn Khôi (49 tuổi) là nghệ nhân làm thúng chai lâu năm nhất ở vùng này tâm sự: “Không biết nghề đan thúng chai ở làng quê này có từ khi nào, tôi chỉ nhớ từ thời thơ ấu đã nhìn thấy nhiều bậc cha ông cặm cụi chặt tre, chẻ nan, đan kết sản phẩm thúng chai”.

Người thợ thao tác rất cẩn trọng để độ cong chiếc thúng tròn đều, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật

21 tuổi, ông Khôi đã học nghề đan thúng từ cha mình, đến nay ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Theo ông Khôi nghề đan thúng chai công phu, vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn bất cứ nghề nào khác. Bởi đan thuyền thúng không chỉ đơn thuần là cái nghề để mưu sinh mà còn là điều quyết định sự sinh tử của ngư dân chèo thúng. Vì thế, người làm công việc này lúc nào cũng phải đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, không thể làm ẩu dù ở bất cứ công đoạn nào.

Nguyên liệu chính của thúng chai là cây tre, nhưng phải chọn cây tre rắn chắc, không non, không già, rồi tách chẻ phần cật vỏ từ nửa thân xuống gốc để lấy nan đan bện tấm mê thúng và chẻ lấy thanh tre lớn để dùng hơi nóng của lửa uốn cong, tạo vành thúng.

Tre còn phải được chọn lựa kỹ lưỡng để khi đan không bị giòn và gãy

Tấm mê đan bện bằng những nan tre, sau đó được đưa xuống hố đất đào sẵn để tạo hình chiếc thúng rồi cắt bỏ phần nan tre thừa trước khi lắp đặt, kết nối vành thúng bằng những sợi cước chuyên dụng, được gọi là khâu lận vành, đây là khâu khó nhất. Mỗi công đoạn đều được người thợ thao tác rất cẩn trọng để độ cong chiếc thúng tròn đều, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.

“Chọn tre không tốt, chẻ gọt không đều sẽ vấp phải khó khăn khi thao tác kỹ thuật đan bện, tạo hình, uốn vành và lắp đặt vành. Ngược lại khi đã có tre tốt, nan mê, vành thúng chẻ đều, nhưng người thợ không lành nghề, thiếu cẩn trọng, thì sản phẩm làm ra vẫn không đảm bảo chất lượng”, ông Khôi cho hay.

Chiếc thúng chai gắn với đời sống của người dân vùng sông nước

Ít ai biết rằng, phân bò và dầu rái cũng là loại nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất thúng chai. Sau khi hoàn tất chiếc thúng thô, thuyền thúng được mang đi phơi nắng. Kế đó, người thợ sử dụng phân bò tươi đã đánh nhuyễn để bôi, trát bên ngoài lẫn bên trong thúng trước khi đưa ra phơi nắng. Kế đó là công đoạn bôi, trát dầu rái được thực hiện khá kỹ lưỡng để những đường đan không bị hở và tuổi thọ của thúng sẽ cao hơn.

Theo ông Võ Đình An, một người thợ đan thúng chai hơn 20 năm ở Đông Yên, dầu rái là loại nguyên liệu không thể thiếu khi sản xuất thúng chai và đóng tàu thuyền vỏ gỗ, có tác dụng chống thấm nước và chịu đựng nước mặn, nắng mưa. Đây là loại nhựa thực vật có màu trắng đục được giới thợ rừng khai thác từ những cây dầu rái cổ thụ. Sau khi bôi, trát thúng chai xong, đưa ra phơi nắng sẽ chuyển màu nâu sẫm, bóng mượt. Ngay cả thao tác trộn dầu rái để bôi, trát thúng chai cũng do những người thợ lành nghề thực hiện mới đảm bảo chất lượng.

Loại tre nguyên liệu sử dụng để đan thúng chai phải chịu nước tốt và có độ dẻo cao

“Nghề này chúng tôi thường nói với nhau là nghề “bán cột sống” vì suốt ngày ngồi vót nan, đan mê cùng với một tư thế xiêu vẹo, cột sống vì thế cũng biến dạng theo. 100% các công đoạn đều làm thủ công bằng tay nên hai bàn tay khi nào cũng chi chít sẹo, sẹo cũ chưa kịp lên da non đã có những vết cứa, vết nứt mới… Đôi tay chẳng khi nào lành lặn. Nghề lắm công phu, vất vả nhưng ai cũng say nghề”, ông Võ Đình An bộc bạch.

Các đường quét dầu rái phải đều tay thì các đường nan mới khít và không bị thấm nước khi đem sử dụng

Hiện ở Đông Yên có khoảng 20 hộ làm nghề đan thúng chai, với gần 100 lao động có thu nhập từ 3,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Trong làng lúc nào cũng rộn tiếng chẻ tre, tiếng vót nan. Vào mùa đi biển, đơn hàng nhiều, thì đàn ông, phụ nữ trung niên lại tập trung về các cơ sở chong đèn đan thuyền thâu đêm. Những chiếc thúng chai – “người bạn” thân thiết với mỗi ngư dân, được sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc dùng để đua tranh trong các cuộc thi, lễ hội cầu ngư hàng năm.

Những chiếc thúng chai hoàn thiện nằm ở bên sông Trà Bồng

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng thôn Đông Yên cho biết, ngày nay, khi thuyền máy hiện đại phát triển thì thúng chai Đông Yên vẫn luôn được khách hàng khắp nơi tín nhiệm. Bà con ngư dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng về đây đặt làm thúng chai với giá 7 – 10 triệu đồng/chiếc. Làng nghề còn là điểm đến của nhiều đoàn du khách trong nước khi dừng chân tại quê hương của nhà thơ Tế Hanh – người nổi tiếng trên thi đàn với những bài thơ về đề tài quê hương.

>> TS Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ: “Cây tre Việt Nam đã có từ ngàn xưa và là nguồn nguyên liệu làm ra nhiều công cụ phục vụ đời sống sản xuất của ngư dân, nông dân. Đây cũng là chất liệu để những nghệ nhân tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác, trong đó chiếc thúng chai là một công cụ sản xuất mang tính nghệ thuật của cư dân vùng biển Việt Nam, một sản phẩm rất thân thiện với môi trường”.

Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!