Đảo Trần bừng sáng điện lưới quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều năm mong đợi, ngày 2/9/2020 là sự kiện trọng đại đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trần khi điện lưới quốc gia chính thức về với đảo, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của xã đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Công nhân thi công hạng mục tuyến cáp ngầm ra đảo Trần. Ảnh chụp tháng 5/2020.

Hạng mục đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần thuộc giai đoạn 2 của Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (huyện Cô Tô) và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà). Tổng mức đầu tư giai đoạn này gần 400 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu triển khai thi công tại hiện trường từ tháng 4/2020. Trong số các hạng mục dự án kéo điện lưới ra đảo Trần thì hạ cáp ngầm xuyên biển là khâu quan trọng nhưng lại phức tạp và khó nhất. Tuyến cáp điện kéo ra đảo Trần có chiều dài hơn 13 km. Đoạn đầu cáp ngầm kết nối từ Trạm cắt VT29 thôn 2 (xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái). Đây cũng là một trong những tuyến cáp điện dài nhất kéo ra đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (sau đảo Cô Tô).Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân (huyện Cô Tô), có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và được coi là đảo tiền tiêu vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Hòn đảo nằm cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ chỉ 10 hải lý. Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh triển khai chủ trương đưa dân ra đảo Trần sinh sống. Đến nay, đảo Trần có 12 hộ dân bám đảo, sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản, vì vậy nhu cầu sử dụng điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt rất lớn. Để có điện sinh hoạt nhiều năm trước đây, ngư dân đảo Trần sử dụng chủ yếu nguồn điện năng lượng mặt trời (tỉnh hỗ trợ đầu tư năm 2019) và nguồn điện sạc dự trữ bình ắc-quy. Vì vậy, chủ trương đầu tư dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Trần có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần giúp các hộ dân trên đảo có điện lưới quốc gia sử dụng lâu dài, cải thiện đời sống, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng cho đảo Trần.

Điện lưới quốc gia được kéo ra đảo Trần giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bám đảo.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đảo Trần – hộ đầu tiên ra đảo sinh sống và gắn bó nhiều năm trên đảo, vui mừng chia sẻ: Uớc mong lớn nhất của người dân trên đảo là có điện lưới quốc gia. Giờ ngư dân trên đảo đều chung tâm trạng háo hức khi ước mong lớn nhất đã thành hiện thực. Những ngày này khi nghe tin sắp đóng điện lưới quốc gia, một số hộ dân trên đảo đã thuê tàu chạy vào trong đất liền mua sắm thêm trang thiết bị như: Quạt, ti vi, điều hòa… Có điện lưới để dùng giúp ngư dân đảo Trần cải thiện đời sống, mở ra tiền đề phát triển kinh tế thủy sản và hậu cần nghề cá. Chắc chắn khi đời sống người dân sung túc hơn sẽ giúp chúng tôi yên tâm bám đảo sinh sống.

 

Cô giáo Ngần Thị Minh hướng dẫn các em học sinh đảo Trần học năng khiếu…

Cùng chung niềm vui đón điện lưới quốc gia, cô giáo trẻ Ngần Thị Minh, Trường Trung học liên cấp đảo Trần, tâm sự: Sự kiện đảo Trần có điện lưới quốc gia trước thềm năm học mới là động lực lớn giúp thầy, cô yên tâm công tác bám đảo để “gieo chữ” cho các em học sinh nơi đây. Có điện, chắc chắn việc học hành của các con cũng đỡ vất vả hơn. Tương lai cũng có nhiều cơ hội hơn khi các con được tiếp cận với công nghệ thông tin, bài giảng sinh động giống như các “lớp học thông minh” trong đất liền.

Hành trình kéo nguồn điện ra đảo Trần gặp không ít thách thức khi quá trình dải cáp ngầm tiến độ phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thách thức lớn nhất trong việc đưa điện lưới ra đảo Trần là điều kiện thi công khu vực đáy biển rất phức tạp gồm cả bùn sét, trầm tích và đá ngầm. Tuy nhiên, sau hơn 150 ngày đêm các chuyên gia, kỹ sư, công nhân dồn sức thi công “thần tốc” dự án đã hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ. Sau nhiều năm mong chờ, giờ đây tất cả các đơn vị, nhân dân trên đảo đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là một trong 10 công trình được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Phạm Tăng

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!