ĐBSCL: Trung tâm liên kết nông sản còn xa vời

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định, phát triển 1 trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ và 7 trung tâm đầu mối tại các tỉnh. Đề án “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ” được Bộ NN&PTNT thẩm định từ tháng 8/2022, sau nhiều lần lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến triển khai mời gọi đầu tư trong năm 2023, tuy nhiên nay còn xa vời.

Mục tiêu, chức năng nhiệm vụ

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ra Nghị quyết số 45/2022/NQQH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ trong đó có quy định về thành lập “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ”. Đây là nội dung mới trong chiến lược phát triển ĐBSCL.

Trong năm 2022, Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ tham gia nghiên cứu xây dựng đề án Trung tâm để trình Chính phủ phê duyệt. Thông tin của Viện cho biết, Trung tâm đặt ở quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ với một số nét chính.

Sơ đồ Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL

Mục tiêu chung: Hình thành “Một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Mục tiêu cụ thể: Thu hút các dự án nghiên cứu, ứng dụng các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác như cơ quan chức năng, dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ. Phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả các dịch vụ vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, giảm tỷ lệ thất thoát, hư hỏng cho hàng nông sản.

Chức năng chủ yếu: Đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ưu tiên các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân; các giải pháp nâng cao hiệu quả vận chuyển, lưu trữ, bảo quản.

Trung tâm cung cấp các dịch vụ công: Hải quan, bao gồm soi chiếu container; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng, ATTP; dịch vụ hành chính công khác. Dịch vụ hỗ trợ: Văn phòng cho thuê; bưu điện; ngân hàng; bảo hiểm; ăn nghỉ, vui chơi giải trí. Ở đây còn có khu vực tổ chức hội chợ, triển lãm; trưng bày, trải nghiệm sản phẩm; gian hàng bán tại chỗ; sàn giao dịch nông sản.

Dịch vụ logistics có kho bãi, xếp dỡ, trung tâm phân loại, phân phối hàng hóa; cảng cạn (ICD); giao nhận vận tải quốc tế; bến xe hàng hóa; kiểm định và phân tích kỹ thuật; thu gom xử lý phế thải. Khu phi thuế quan có kho ngoại quan (hàng tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển); kinh doanh hàng miễn thuế, hàng miễn thuế giảm giá. Khu sản xuất, chế biến nông sản; cung ứng vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công nghệ cho ngành nông nghiệp.

Trung tâm còn có dịch vụ tư vấn đầu tư; nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Cần xác định rõ cơ chế đầu tư, quản lý

Ngày 3/3/2023, Bộ NN&PTNT có tờ trình Thủ tướng về việc thành lập Trung tâm. Giữa tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ NN&PTNT thống nhất với UBND TP Cần Thơ hoàn thiện hồ sơ thành lập Trung tâm đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chủ yếu là xác định rõ cơ chế đầu tư, quản lý:

Các hoạt động cụ thể của Trung tâm và sự phù hợp theo các quy định của pháp luật liên quan về khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Phương án tài chính, nguồn kinh phí để Trung tâm vận hành. Cơ sở pháp lý về việc giao UBND TP Cần Thơ quyết định về tổ chức quản lý hoạt động của Trung tâm.

Sự phù hợp về pháp luật đối với việc đề xuất giải pháp Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất để xây dựng Trung tâm. Cơ sở pháp lý về việc giao UBND TP Cần Thơ quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hạ tầng; lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp và giao nhà đầu tư hạ tầng cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.

Bộ NN&PTNT báo cáo rõ quan điểm về việc hồ sơ có đủ căn cứ pháp lý để Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trung tâm, đủ căn cứ pháp lý để quản lý và điều kiện để Trung tâm đi vào hoạt động.

Có thể thấy, cho đến nay Trung tâm chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể triển khai trong thực tế và bao giờ rõ hình hài thì cũng chưa thể khẳng định. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển trả lời báo chí: “Phải chờ Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh hồ sơ, khi được Chính phủ phê duyệt thì mới triển khai được”.

>> “Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đặt mục tiêu xây dựng hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để đưa vùng đất phát triển lên trình độ khá so với cả nước. Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ và 7 trung tâm đầu mối ở các tỉnh khác. Chẳng hạn ở tỉnh Tiền Giang có Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái, tỉnh An Giang có Trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Kiên Giang có Trung tâm kinh tế biển, tỉnh Cà Mau có Trung tâm chế biến thủy sản, tỉnh Bạc Liêu có Trung tâm NTTS nước lợ... Tất cả đến nay đang quy hoạch cụ thể.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!