CN, 17/03/2024 08:20

Để ngành tôm bắt nhịp xu thế phát triển xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thị trường quốc tế đang chuyển sang các sản phẩm “xanh”, khi cả người bán lẻ và người tiêu dùng thực phẩm đều đòi hỏi tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành tôm Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa. Đây cũng là một trong những chủ đề được bàn luận chia sẻ tại phiên hội thảo của VietShrimp 2024.

Nỗi lo phát thải 

PGS.TS Võ Nam Sơn, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, ở khâu nuôi tôm, từ các dạng năng lượng, như: xăng, dầu, điện, cho đến các loại vật tư đầu vào phục vụ quá trình nuôi, như: vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều gây ra phát thải. Theo đó, lượng phát thải khí nhà kính mà nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đo được (kg CO2/kg tôm tươi) đối với mô hình nuôi thâm canh là 9,3; nuôi siêu thâm canh là 11,7; nuôi siêu thâm canh theo ASC là 12,5. Trong khi, để con tôm đạt tiêu chí xanh đòi hỏi phải đồng bộ cả chuỗi giá trị; trong đó, mắt xích yếu nhất hiện nay chính là ở khâu nuôi. Không nói đâu xa, ngay cả các doanh nghiệp hay trang trại nuôi tôm lớn khu vực ĐBSCL hiện cũng canh cánh nỗi lo về vấn đề này, nhất là ở tiêu chí phát thải khí nhà kính, tiêu chí về tuần hoàn, tái chế…

Hình ảnh tại sự kiện VietShrimp 2023

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tôm lớn thứ 3 thế giới, nuôi trồng và chế biến thủy sản, trong đó tôm đã tạo sinh kế cho 5 triệu lao động Việt Nam. Tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng có khoảng 200.000 người tìm kiếm sinh kế dựa vào nghề nuôi và chế biến tôm nước lợ, mang lại khoảng 25 – 35% GDP của các địa phương. Tuy nhiên, các nguồn chất thải rắn, lỏng từ nuôi trồng thủy sản trong đó trọng điểm là nuôi tôm cũng gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Bắt nhịp sản xuất xanh

Thời gian qua, các doanh nghiệp, trang trại và người nuôi đã áp dụng nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm, góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, như: nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh, tiết kiệm điện thông qua việc cải tiến hệ thống quạt tạo ôxy, quản lý tốt thức ăn để hạn chế tình trạng dư thừa làm phát sinh khí nhà kính, lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải, sử dụng máy ép phân tôm ủ làm phân bón… Tuy riêng lẻ và tự phát, nhưng các giải pháp trên đều cho thấy mức độ giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm đã giảm đáng kể. Thậm chí, có doanh nghiệp chủ động kiến nghị với lãnh đạo các địa phương và ngành nông nghiệp chủ trương trồng rừng phòng hộ ven biển để bù vào lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình nuôi tôm. Đây là cách làm rất hay, nhưng vẫn chưa thể triển khai được, do muốn trồng rừng doanh nghiệp phải có dự án, mà điều này thì nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp chuyên về chế biến tôm, còn nếu thuê tư vấn thì chi phí lên đến 400 – 500 triệu đồng.

Theo ông Patrick Haveman, Phó Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), khu vực ĐBSCL có nhiều tiềm năng để tái cấu trúc lại các chuỗi sản xuất cung ứng tôm tự nhiên với giá trị cao. Hiện nay, ở Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bến Tre, nhiều cơ sở kinh doanh và hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa có vùng nuôi tôm dựa vào tự nhiên. Nhiều nơi đã có các dòng sản phẩm tôm – rừng, tôm – lúa, tôm sạch nhưng chưa được tập trung quản lý và chứng nhận đúng với giá trị chất lượng tương xứng. Bộ NN&PTNT cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở và trang trại nhỏ và vừa này tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra một dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng ĐBSCL. Song song đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất này có truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon cho các dòng tôm sinh thái này. Từ đó, góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuỗi cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Ngành tôm Việt Nam cũng đang chuyển mình tích cực và nhận được sự quan tâm của các cấp bộ ngành từ Trung ương đến các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi. 

Hình ảnh tại sự kiện VietShrimp 2023

Điều này sẽ được cụ thể hóa hơn nữa tại một trong những phiên hội thảo đối thoại chuyên đề chuyên sâu của Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam 2024 (VietShrimp 2024) diễn ra tại tỉnh Cà Mau từ ngày 20 – 22/3 tới đây. Phiên đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn diễn ra ngày 20/3 sẽ quy tụ các diễn giả đến từ Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam, các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong nước và quốc tế… cùng nhau chia sẻ, trao đổi để đưa ra những giải pháp giúp ngành tôm phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Một trong những nội dung tiêu biểu sẽ được giới thiệu tại phiên đối thoại này như: Yêu cầu các thị trường về kinh tế tuần hoàn đối với ngành tôm; Sức bền của tôm: Sử dụng chiến lược thích ứng; Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cho người nuôi tôm… Đối thoại này được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia theo dõi và hưởng ứng của đông đảo các đại biểu và khách mời tham dự và sẽ tạo được dấu ấn quan trọng trong những ngày diễn ra VietShrimp 2024.

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!