T3, 25/07/2023 10:00

Đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 841/QĐ-TTg ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; ngành nông nghiệp được xác định những mục tiêu trọng điểm cụ thể.

Trong đó, mục tiêu số 2 của Lộ trình này đặt ra là đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp; Đảm bảo sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác, dần dần cải tạo chất lượng đất đai.

Đến năm 2030, chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh minh họa.

Về tài nguyên nước, đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; 100% nước thải nguy hại được xử lý; tăng cường tái sử dụng nước an toàn.

Cùng đó, đến năm 2030, tăng cường các chính sách hỗ trợ các hoạt động sản xuất có năng suất cao, tạo việc làm tốt và bền vững, hỗ trợ làm chủ doanh nghiệp, phát minh và sáng tạo; chính thức hóa và tăng trưởng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, gồm cả thông qua việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Lộ trình này cũng đặt mục tiêu trong bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. Cụ thể, đến năm 2030, ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, chú ý tới các chất thải rắn, nước thải và ô nhiễm chất hữu cơ. Bên cạnh đó, phấn đấu diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên, dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, trong mục tiêu đề cập đến tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững, lộ trình này xác định mục tiêu cụ thể là xúc tiến hệ thống thương mại đa phương, cởi mở, không phân biệt đối xử, công bằng và dựa trên luật pháp quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, bao gồm cả việc thúc đẩy kết thúc đàm phán Chương trình nghị sự phát triển Doha; đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%/năm.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!