Nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo tổng kết chương trình môi trường thuộc Quỹ Newton là việc điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật ở vùng biển sâu Việt Nam.
Tiếp cận dựa trên sinh thái cho nghề cá biển bền vững và đa dạng sinh học ở Việt Nam. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Sáng 26/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình môi trường thuộc Quỹ Newton với chủ đề “Tiếp cận dựa trên sinh thái cho nghề cá biển bền vững và đa dạng sinh học ở Việt Nam”.
Nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là việc điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật ở vùng biển sâu Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam rất đa dạng và phong phú, với phạm vi phân bố rộng khắp từ vùng biển ven bờ tới vùng biển khơi, biển sâu. Bên cạnh đó, nghề cá biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động nghề cá đã tạo sinh kế cho hàng triệu ngư dân sống phụ thuộc vào nghề cá.
Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của nghề cá và công nghệ khai thác, áp lực khai thác lên nguồn lợi ở mức cao và nhiều loài bị khai thác quá mức. Việc giảm áp lực khai thác là cần thiết để cân bằng giữa hoạt động nghề cá và khả năng phục hồi nguồn lợi.
Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu Hải sản đã đề xuất dự án “Điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật biển ở vùng nước sâu Việt Nam” nhằm mục đích điều tra đa dang sinh học, đặc điểm môi trường và hải dương học ở vùng biển sâu Việt Nam; thăm dò đối tượng khai thác mới cho nghề cá Việt Nam; đồng thời cung cấp thông tin khoa học cho việc điều chỉnh hoạt động khai thác hải sản từ vùng nước ven bờ ra vùng biển xa bờ và vùng biển sâu.
Theo ông Nguyễn Khắc Bát, dự án sẽ thực hiện điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật ở vùng biển sâu Việt Nam bằng các phương pháp phù hợp, với mục tiêu tìm kiếm những đối tượng chưa được điều tra, đánh giá và hiện trạng nguồn lợi của các đối tượng đó.
Các nội dung chính gồm những thông tin hiện có về nguồn lợi hải sản, đặc điểm môi trường và hải dương học ở vùng biển sâu.
Bên cạnh đó, dự án thực hiện điều tra thăm dò vùng biển sâu nhằm đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học ở vùng biển sâu, gồm các nhóm sinh vật ở tầng đáy và lớp phân tán phía trên tầng đáy; đánh giá độ phong phú nguồn lợi, thành phần sản lượng, tìm kiếm nguồn lợi hải sản tiềm năng và các nhóm sinh vật khác (các loài có giá trị kinh tế cao, có hoạt tính sinh học, các loài san hô quý); có được bộ mẫu vật của các loài sinh vật ở vùng biển sâu…
Dự án cũng nghiên cứu tiềm năng nguồn lợi hải sản ở vùng biển sâu nhằm cung cấp thông tin khoa học cho việc điều chỉnh hoạt động nghề cá xa bờ; xác định các đối tượng khai thác tiềm năng ở vùng biển sâu; nghiên cứu và đề xuất ngư cụ khai thác phù hợp, có thể sử dụng ở vùng biển sâu và công nghệ khai thác đối với nghề cá ở vùng biển sâu.
Dự án sẽ được thực hiện thông qua hợp tác quốc tế. Các nội dung điều tra, nghiên cứu sẽ được thực hiện bằng các tiếp cận phù hợp, bởi các nhà khoa học, các thành viên thực hiện dự án trong nước và nước ngoài.
Dự án dự kiến thực hiện vào năm 2020 với nguồn kinh phí chính từ ODA và các nguồn kinh phí bổ sung từ Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, hiện ngành thuỷ sản đang thiếu dữ liệu về vùng biển sâu, hệ sinh thái… do đó việc điều tra thăm dò nguồn lợi ở vùng biển sâu sẽ phục vụ cho việc quản lý và phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đối với vùng biển sâu, hiện Chính phủ đã có chủ trương điều tra thăm dò nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái. Hiện ngành thuỷ sản đang xây dựng đề cương, dự toán, nhiệm vụ nghiên cứu…
Tuy nhiên, năng lực điều tra nguồn lợi vùng biển sâu của Việt Nam chưa đáp ứng bởi các thiết bị thăm dò, tàu, phương tiện… chưa có. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện việc này là rất lớn.