Doanh nghiệp đầu tư nông, thủy sản: Quan trọng là tạo cơ chế thu hút

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đến nay mới chỉ chiếm 1,01%, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Để phát huy tiềm năng, lợi thế từ nhân tố này, cần có nhiều biện pháp đồng bộ và cơ chế thỏa đáng hơn.

Tiềm năng lớn, tỷ trọng nhỏ

Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013, tăng bình quân 13,8%/năm. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước chiếm 89%, tạo việc làm cho 265.000 lao động. Với lĩnh vực thủy sản, năm 2013 có 1.296 doanh nghiệp đầu tư, chiếm 35,7%, tăng 0,2% so năm 2007.

Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Minh Phú, TH, Đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang, Vĩnh Hoàn, Dabaco… Mặt khác, cũng đang có xu hướng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, như Vingroup, Him Lam, FLC, Viettel…

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản như sản phẩm cá tra đứng đầu khu vực ĐBSCL, diện tích 1.900/9.558 ha nuôi trồng thủy sản; sản lượng 400.000/490.000 tấn/năm. 25 nhà máy chế biến thủy sản, công suất 429.200 tấn/năm; 7 nhà máy bột/mỡ cá tra, sản lượng 336.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất collagen từ da cá tra; 1 nhà máy tinh luyện dầu cá tra. Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần ưu đãi đặc biệt cho xây dựng doanh nghiệp đầu tàu, xây dựng các hiệp hội ngành hàng mạnh gắn kết doanh nghiệp với nông dân. Đề nghị Nhà nước cho lập quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho dự án nông nghiệp công nghệ cao; Ngân hàng Nhà nước cần cho phép sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính làm tài sản thế chấp khi vay vốn.

Ngoài khó khăn về tín dụng, các doanh nghiệp còn vấp phải vấn đề thuế và đất đai. Như chia sẻ của ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua có một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tôm tại địa phương như Tập đoàn BIM và mới đây là Tập đoàn Việt-Úc… Nhưng các đơn vị còn gặp khó về thuế và diện tích đất kinh doanh; nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp ít nhất 70% đối với vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ lãi suất ngân hàng 50%, hỗ trợ 100% cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào. Cùng đó, đề nghị Bộ Tài chính đưa giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp vào danh mục thuộc đối tượng thuế VAT 0%.

 

“Hút” doanh nghiệp đầu tư

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đơn vị được giao làm đầu mối Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhìn nhận: Ngành nông nghiệp Việt Nam đangvào giai đoạn mới, không thể chỉ dựa vào nông dân làm vai trò chủ đạo như trước đây, mà phải có sự tham gia của doanh nghiệp; bởi chỉ doanh nghiệp mới giải quyết được 3 điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường, vốn và áp dụng khoa học – công nghệ.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Tập đoàn có ý định đầu tư 1 tỷ USD để thực hiện dự án hiện đại hóa sản xuất giống tôm, cá rô phi thuần chủng. Để làm được điều này, Minh Phú cần một diện tích đất lớn và phải liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất, song lại gặp vướng mắc tại các địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau một cuộc họp với Nhóm thu hút đầu tư vào nông nghiệp đầu năm nay, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lắng nghe và chỉ đạo, đến nay dự án của Minh Phú đã được triển khai khá suôn sẻ.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận: Khi xem xét đầu tư vào nông nghiệp, nếu chỉ mình Bộ NN&PTNT sẽ không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành khác (như Tài chính, Lao động – Thương binh – Xã hội, Giao thông Vận tải…). Tại Việt Nam vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ. Bộ NN&PTNT cần tăng cường quan hệ với các nhà đầu tư Việt Nam.

Tái cơ cấu nông nghiệp cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đang được coi là hai “cuộc cách mạng” về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Để thực hiện hai chương trình này, cần sự tham gia tích cực của mọi thành phần kinh tế từ trung ương đến địa phương; trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo, nông dân là chủ thể, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

>> Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… để phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, cần thí điểm giao cho các hiệp hội thực hiện một số chức năng trước đây được coi là chức năng quản lý nhà nước. Cùng đó, cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Hương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!