(TSVN) – Với quy định 46% thuế đối ứng, và trước đó là quy định khắt khe cùng sự lấn lướt của nhiều mặt hàng thủy sản từ các quốc gia khác, hàng thủy sản nước ta có nguy cơ dừng chân trước thị trường này nếu các cuộc đàm phán thương mại không thành công.
Trong hơn nửa thập kỷ qua, Mỹ luôn là thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.
Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tăng 14,44% so cùng kỳ năm 2024, đạt 215,82 triệu USD, chiếm 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu tôm Việt Nam chịu áp lực lớn trước mức thuế đối ứng mới công bố của Mỹ. Ảnh: PTC
Mặc dù vậy, đây cũng là thị trường có nhiều áp lực đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng khiến thủy sản Việt Nam và các quốc gia khác cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chưa kể, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.
Chừng ấy quy định đã khiến cho doanh nghiệp thủy sản nước ta vất vả trong quá trình thâm nhập và giữ vị thế tại thị trường Mỹ.
Trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôm chiếm thị phần khá lớn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ vẫn tăng, tuy nhiên, sức cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua, tôm Việt Nam không những khó bì với tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ mà còn đối mặt giá cước vận tải tăng mạnh (khoảng 40%) vì Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất khẩu trước kỳ hạn bị Mỹ áp thuế mới.
Các doanh nghiệp thủy sản nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp thích ứng với tình hình. Trong lĩnh vực xuất khẩu tôm, nhiều doanh nghiệp đã giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tăng cường xuất khẩu cho thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Hoặc với những mô hình liên kết, cả doanh nghiệp và người nuôi sẽ tính toán mô hình nuôi và thời điểm thu hoạch để chủ động được thị trường với giá bán tốt.
Sự chuẩn bị này có lẽ giúp được nhiều doanh nghiệp giảm tổn thất trước tình hình thị trường Mỹ khó khăn như hiện nay. Bởi với mức thuế 46%, thủy sản Việt Nam nói chung và con tôm nói riêng đang đứng trước nguy cơ mất thị trường quan trọng này, vì các nước cạnh tranh trực tiếp với tôm Việt Nam đang chịu mức thuế thấp hơn nhiều, chẳng hạn: tôm Ấn Độ là 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%,…
VASEP cũng khuyến nghị doanh nghiệp cân nhắc thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Các doanh nghiệp chờ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch tiếp theo.
Cùng đó, theo ý kiến của chuyên gia, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất. Các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới, từ đó giảm thiểu rủi ro.
Trước việc quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước”.
Chúng ta sẽ chờ đợi kết quả đàm phán của Chính phủ trong việc cân bằng cán cân thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giảm sức ép bị áp thuế từ Mỹ cũng đang là mong muốn của đa số doanh nghiệp.
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, để giữ vững thị trường Mỹ, bên cạnh tôm và cá tra, ngành thủy sản cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các đối tượng nuôi mới như rong biển, tảo, bào ngư, nhuyễn thể hai mảnh vỏ,… nhằm giảm phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ lực và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Phan Thảo