Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2019, trong khi mặt hàng thủy sản, đồ gỗ tiếp tục có nhiều lợi thế thì thị trường tiêu thụ cà phê, điều, tiêu, chè không mấy khả quan.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có nhiều cơ hội trong năm 2019. T.L
Cơ hội cho gạo, thủy sản, đồ gỗ
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, ngay từ quý I.2019, xuất khẩu gạo đã mở rộng khi nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I.2019 tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bên cạnh đó, sau khi Phillipines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có những công ty của nước này nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam.
Tuy vậy, theo chính sách mới của Phillipines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN. Do đó, tuy việc xuất khẩu gạo sang Phillipines sẽ dễ dàng hơn nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch; tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Theo ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2019, thị trường sẽ vẫn chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Với mặt hàng thủy sản, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019 với khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu EU hiện khoảng 14%.
Ngoài ra, một số thị trường như Hàn Quốc, ASEAN dự báo trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng cao. Dự báo năm 2019 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tăng trưởng cao, có thể cán đích 10 tỷ USD.
Với gỗ và sản phẩm từ gỗ, nhờ những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, EU sẽ là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, việc chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai hiệp định thương mại tự do lớn là CPTPP có hiệu lực từ ngày 14.1.2019 và EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2019 tạo ra sự cộng hưởng lớn với ngành gỗ. Hầu hết các quốc gia tham gia CPTPP đều có cam kết sẽ loại bỏ thuế và thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Ngoài Nhật Bản, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khác cũng được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi.
Để nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần hướng đến việc quản lý nguồn gốc gỗ theo phương pháp của VPA, quản lý chặt từ đầu vào và đầu ra, từ khâu khai thác, cho đến vận chuyển và tiêu thụ. Các cơ quan chức năng kiểm soát thật chặt chẽ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiểu biết của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về quy định, thủ tục của VPA/FLEGT.
Vẫn khó khăn cho tiêu, cà phê, chè
Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê trong bối cảnh niên vụ 2018/2019, giá cà phê giảm liên tục. Ảnh: T.L
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo thời gian tới, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm do kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng chậm lại và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê, cà phê toàn cầu được mùa gây áp lực dư cung.
Xuất khẩu hồ tiêu năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng về lượng ở hầu hết các thị trường nhưng lại giảm mạnh về giá trị do giá xuất khẩu giảm đáng kể theo xu hướng giảm giá chung của thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do sự mở rộng diện tích ở hầu hết các nước trồng tiêu, đặc biệt tại Brazil, Việt Nam và Campuchia, dẫn đến cung vượt cầu.
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, giá tiêu có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019, do dự báo không khả quan về sản lượng của các nước xuất khẩu chính. Bốn nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, bao gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ, đều dự báo giảm sản lượng.
Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175.000 tấn tiêu đen và 25.000 tấn tiêu trắng, tổng sản lượng sẽ đạt khoảng 200.000 tấn. Để thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, cần hướng tới nâng cao chất lượng hồ tiêu; đồng thời tập trung vào việc giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, thúc đẩy phát triển tiêu hữu cơ.
Hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu đang trong giai đoạn có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn, giao dịch hạt điều diễn ra chậm hơn, do đó nhu cầu hạt điều dự kiến sẽ yếu trong thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều được bổ sung khi nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch sớm.
Hiện các nước đang trong vụ thu hoạch rộ gồm: Brazil, Tanzania, Indonesia, Benin, Mozambique và Kenya. Vụ thu hoạch hạt điều mới tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng 3.2019.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, yếu tố cung vượt cầu có thể sẽ tác động xấu đến giá điều trong những tháng đầu năm 2019. Giá điều thô trong nước dự báo sẽ khó tăng đột biến từ giờ đến sau Tết Âm lịch.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu các sản phẩm rau quả, gạo và thịt lợn sang Trung Quốc trong năm 2019 sẽ gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc.
Năm 2019 cũng được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với ngành chè do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới (ước tính tổng thặng dư chè sẽ đạt khoảng 128.000 tấn vào năm 2020, tăng 53.000 tấn so với năm 2018). Bên cạnh đó, các thị trường khó tính ngày càng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm chè trước khi cho phép nhập khẩu.