T2, 06/07/2020 10:43

Dừng dự án đóng tàu Oshima tại Khánh Hòa: Ngư dân lỡ mùa cá tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hơn 3 năm hình thành các thủ tục đầu tư, chuẩn bị đền bù giải tỏa, mới đây, nhà đầu tư của Nhà máy Đóng tàu Oshima (Nhật Bản) bất ngờ thông báo rút dự án. Người dân trong vùng dự án rất bất bình…

Dừng ở phút cuối

Sáng 17/12, ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Đại diện nhà đầu tư (NĐT) đã chính thức xin rút dự án (DA) Nhà máy Đóng tàu Oshima (tại xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) với lý do suy thoái kinh tế, thị trường đóng tàu thu hẹp, đồng yên Nhật mất giá so với đô la Mỹ làm tăng vốn đầu tư lên gần gấp đôi… 

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo, giao các sở ngành hướng dẫn NĐT các thủ tục giải thể Công ty TNHH Oshima chipbuilding Việt Nam, thu hồi giấy phép đầu tư đã cấp (ngày 14/2/2012) đồng thời giải quyết những tồn tại như hỗ trợ cho người dân trong vùng phải giải phóng mặt bằng, chế độ cho người lao động, công nợ và chi phí khác theo quy định. 

Cũng theo ông Thái, sau hơn 3 năm ráo riết thực hiện các bước đầu tư DA, mọi công tác chuẩn bị đã xong. Việc kiểm kê, lên phương án chi tiết đền bù giải tỏa đã hoàn thành, chỉ chờ thực hiện, nay phải dừng DA là điều rất tiếc. 

Dự án Nhà máy Đóng tàu Oshima sẽ lấy đi 100ha đầm nuôi cá và 20ha mặt biển ở Hòa Diêm.

Dự án Nhà máy Đóng tàu Oshima sẽ lấy đi 100ha đầm nuôi cá và 20ha mặt biển ở Hòa Diêm.

Ông Nguyễn Khiêm – Chánh Văn phòng, phát ngôn viên UBND TP.Cam Ranh, cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản thông báo về việc NĐT rút DA. Đây là DA lớn trên diện tích 304ha (100ha mặt đất, 204ha mặt nước, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) mà thành phố rất mong đợi, đã chuẩn bị rất công phu để vận động 108 hộ dân đồng thuận. Thành phố cũng đã thông báo cho dân là sẽ đền bù giải tỏa xong trước tết. Tiếc là tới giờ phút cuối, DA phải dừng lại.

 

Lỡ một mùa cá tết

Mang ra một tập giấy dày cộp thống kê chi tiết giá đền bù cho 36 hộ bị giải tỏa, Trưởng thôn Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP.Cam Ranh) nói: Tất cả vùng bị thu hồi làm nhà máy đều là vùng đìa nuôi cá mú, tôm công nghiệp nên suốt mấy năm qua bà con thắc thỏm, không dám đầu tư sản xuất. 

Gần đây, mặc dù giá đền bù chưa thỏa đáng, nhưng qua tuyên truyền, vận động, bà con cũng đã tạm bằng lòng nhận đền bù với số tiền từ 400 triệu đến 1,6 tỷ đồng/hộ để đầu tư làm ăn nơi khác. Chính quyền cùng đã niêm yết phương án đền bù, sẽ nhận tiền đợt 1 vào 15.11, nhưng chẳng thấy đâu. Sau đó lại nói sẽ đền bù xong trước Tết, vậy mà nay lại bất ngờ dừng… 

Còn ông Dương Văn Chương – chủ một đầm nuôi cá rộng 1,8ha tại thôn Hòa Diêm cho biết: Sau khi kiểm kê, ngày 17/9/2012, Chủ tịch UBND TP.Cam Ranh đã ra thông báo ngừng thả vật nuôi trong vùng DA, ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính trong khi dân chưa nhận được đồng tiền đền bù nào. 

“Tôi không dám thả cá mú như mọi năm vì thời gian nuôi dài, nhỡ đâu cá chưa đến kỳ thu hoạch mà phải giải tỏa thì sạt nghiệp. Nếu biết DA dừng, thả 20.000 con cá để bán dịp tết như mọi năm thì với giá cá hiện là 230.000 đồng/kg, Tết này tui thu tiền tỷ…” – ông Dương tiếc rẻ. 

Theo ghi nhận của NTNN, nhiều chủ đầm có kinh nghiệm nuôi tôm thì đánh liều thả tôm vớt vát, nhiều hộ khác đành phải bỏ trống đìa cá. “NĐT rút DA rồi, bây giờ thiệt hại của dân do chấp hành lệnh ngừng thả vật nuôi của chủ tịch thành phố có được đền bù không, ai đền bù, và đền bù ra sao đây?” – một ngư dân lo lắng. 

 >> Ông Nguyễn Khiêm – phát ngôn viên của UBND TP.Cam Ranh, cho biết, đến nay chính quyền vẫn chưa thống kê cụ thể được thiệt hại do lệnh ngừng sản xuất trong vùng DA. Hiện đại diện NĐT vẫn đang liên tục làm việc với UBND thành phố để bàn, thống nhất việc chi trả thiệt hại cho dân cũng như các chi phí chuẩn bị cho DA.

Mai Khuê

Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!