Gìn giữ, phát huy thương hiệu nước mắm truyền thống Phan Thiết

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ lâu, nước mắm truyền thống Phan Thiết đã nổi tiếng khắp nơi trong và ngoài tỉnh nhờ chất lượng. Hiện nay, dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, song các doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phan Thiết vẫn luôn quan tâm gìn giữ và nâng cao thương hiệu sản phẩm…

Ông Trương Quang Hiến kiểm tra chất lượng sản phẩm nước mắm của doanh nghiệp mình.

Ông Trương Quang Hiến kiểm tra chất lượng sản phẩm nước mắm của doanh nghiệp mình.

Ông Trương Văn Dũng – chủ cơ sở nước mắm Hồng Anh cho biết: Mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất khoảng 800 lít nước mắm 20 độ đạm. Sản phẩm của ông bán cho khách du lịch, người dân địa phương nhưng phần lớn sản lượng bán cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, các công ty này chế biến lại rồi đóng chai, nên lợi nhuận của ông Dũng thu về không cao. Qua tìm hiểu được biết, không chỉ cơ sở Hồng Anh, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống khác ở Phan Thiết cũng kinh doanh bằng hình thức tương tự.

Theo Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết: Hơn 80% cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trong hiệp hội phải xuất bán nước mắm xá (nước mắm nguyên chất) cho các công ty nước mắm công nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi mua nước mắm ở Phan Thiết, những công ty này thêm hương liệu, chất phụ gia, đóng chai gắn nhãn của họ rồi tung ra thị trường. Ông Trương Quang Hiến – Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm Hiến Nguyên cho rằng: Sở dĩ các cơ sở ở Phan Thiết phải xuất bán nước mắm nguyên chất cho các công ty ở địa phương khác do khó khăn về tài chính.

Hiện nay chỉ có các cơ sở nước mắm PT Fisaco, Ngọc Định, Toàn Hương, Bà Hai… là số ít doanh nghiệp đủ năng lực để tự đóng chai, phân phối sản phẩm. Vì vậy có thể nói, nếu vấn đề tài chính được giải quyết thì nước mắm truyền thống Phan Thiết sẽ đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.  Ngay cả Hiến Nguyên – cơ sở sản xuất khoảng 1 triệu lít/năm, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho công ty chế biến nước mắm công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh với giá 11.500 đồng/lít.

Vừa qua, tại hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) đã thông qua nghị quyết về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, cùng với nước khoáng Vĩnh Hảo, chế biến tảo, mủ trôm… nước mắm tiếp tục được xác định là sản phẩm lợi thế của tỉnh. Để nâng cao chất lượng, giá trị của từng loại sản phẩm trên, tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện. Trong đó, hướng tới mục tiêu đổi mới và nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hiện có và các doanh nghiệp mới dựa trên nguồn nguyên liệu và tiềm năng lợi thế, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và phục vụ xuất khẩu. Tin rằng, với thương hiệu sẵn có, cùng với sự chủ động, nỗ lực của từng doanh nghiệp và nghị quyết quan trọng trên thì nước mắm truyền thống Phan Thiết sẽ tiếp tục giữ vững được thương hiệu để không ngừng phát triển.

LÊ PHÚC

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!