Hà Lan: Mô hình NTTS kết hợp bảo vệ bờ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một công ty khởi nghiệp của Hà Lan đang có kế hoạch tích hợp nuôi trồng rong biển và động vật thân mềm hai mảnh vỏ vào các đê chắn sóng nổi; đồng thời bảo vệ các bờ biển mỏng manh, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái và sản xuất hải sản có tiềm năng.

Hình thành ý tưởng

Công ty ReShore được thành lập bởi 2 nhà sáng lập là Frej Gustafsson và Mitchell Williams năm 2020. Ông Gustafsson cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra một mô hình kinh doanh cho các dịch vụ hệ sinh thái. Ban đầu chúng tôi đang xem xét việc trồng rong biển để thu thập chỉ số carbon nhưng gặp nhiều trở ngại”.

Sau đó, ý tưởng tiếp theo của Công ty liên quan đến việc bảo vệ bờ biển và họ bắt đầu điều tra khả năng kết hợp NTTS với đê chắn sóng nổi. “Chúng tôi nhận ra rằng việc bán đê chắn sóng là sản phẩm chính và sử dụng các dịch vụ sinh thái do sản phẩm mang lại sẽ dễ dàng hơn. Phao đôi giúp chống sóng lớn hiệu quả hơn. Trong khi đó, các hệ thống NTTS có thể chìm xuống bên dưới, điều này có thể mở rộng ở quy mô thương mại”, ông Gustafsson nói.

Cấu trúc phao đôi của ReShore có thể chịu được sóng lớn và cho phép sản xuất NTTS bên dưới. Ảnh: ReShore

ReShore cho biết, muốn kết hợp với các hệ thống hiện có như túi hàu, dây rong biển hoặc dây vẹm. Họ cũng có kế hoạch sử dụng thép và bê tông làm thành phần chính của cầu phao.

Ứng dụng tiềm năng

Các đê chắn sóng nổi không phổ biến bằng các phiên bản cố định, nhưng ngày nay cũng đã được sử dụng rộng rãi. “Đê chắn sóng nổi thường được sử dụng trong các bến du thuyền và cảng – một số có quy mô rất lớn, chẳng hạn như ở Monaco”, ông Gustafsson cho biết.

Ông cũng nói thêm: “Chúng chủ yếu được triển khai ở những khu vực không còn được bảo vệ bởi thiên nhiên và hiệu quả nhất ở những khu vực có mái che, thay vì được sử dụng như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các cơn sóng”.

Về việc tích hợp NTTS vào các thiết kế của ReShore, các nhà sáng lập cho biết, động vật có vỏ sống tự nhiên trên các cấu trúc, vì vậy phải có phạm vi để kết hợp cả hai với nỗ lực tối thiểu. Công ty cũng thừa nhận việc tập trung vào ngành nuôi động vật có vỏ là hợp lý nhất.

Công ty đã trình diễn về ý tưởng thiết kế tại Viện Marin ở Hà Lan vào năm ngoái. Theo ông Gustafsson, những thử nghiệm này đã chỉ ra việc kết hợp trang trại NTTS và đê chắn sóng sẽ làm tăng thêm hiệu quả của các cấu trúc khi giảm tác động của biển cả.

Thương mại hóa

ReShore đã được trao một số khoản tài trợ của chính phủ. Công ty hiện đang tìm kiếm một đơn vị trình diễn trong nước trong năm nay và xây dựng đơn vị thương mại đầu tiên vào năm 2023.

Về khách hàng tiềm năng, ông Gustafsson cho biết ý tưởng của họ có sức hút tốt với các bến cảng ở một số quốc gia châu Âu hay ở những khu vực đối mặt với bão ngày càng thường xuyên và mực nước biển dâng cao và có nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng.

Để lắp đặt một đê chắn sóng kết hợp NTTS quy mô thí điểm, Công ty hiện đang tìm cách huy động khoản tài trợ 1 triệu EUR, nhưng được biết, chi phí để sản xuất thiết kế của ReShore không cao hơn đáng kể so với các đê chắn sóng thông thường.

Kỳ vọng tương lai

Công ty đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ các nhà khai thác NTTS hiện có. “Ở Hà Lan, chỉ có một diện tích hạn chế được giao để sử dụng cho NTTS, vì vậy một số nông dân lo ngại đê chắn sóng của chúng tôi có thể làm giảm diện tích mà họ được phép hoạt động, nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Hơn nữa, những người nuôi hàu tỏ ra quan tâm đến thiết kế này vì Chính phủ Hà Lan muốn tiến xa hơn ra ngoài khơi. Ngoài ra, việc sản xuất hàu trong môi trường năng lượng cao rất tốt cho sự phát triển của loài thủy sản này”, ông Gustafsson cho biết.

Gustafsson cũng tin rằng các dự án như ReShore – tận dụng các dịch vụ hệ sinh thái do các loài NTTS nhiệt đới thấp cung cấp – sẽ trở nên phổ biến hơn. Có một sự thay đổi trong cách nhìn nhận về NTTS và nhiều người đang khám phá tiềm năng của các hoạt động tích cực với môi trường. Động lực lớn nhất là người tiêu dùng thực sự sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các loại hải sản được sản xuất bền vững.

Minh Sương

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!