Hành trình hoàn thiện “bản thân”

Chưa có đánh giá về bài viết

Đặc san Vietnam’s Tra, Basa vừa trao đổi với ông Nguyễn Viết Mạnh (ảnh), Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) xung quanh việc lập sàn đấu giá và trung tâm phân phối cá tra tại EU.

Ông có nhận xét gì về ngành cá tra Việt Nam sau khi gia nhập WTO?

Từ khi gia nhập WTO (11/1/2007), Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết WTO và cam kết trong khu vực. Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu (Việt Nam đang áp dụng) đều phù hợp các hình thức cho phép áp dụng ở các nước đang phát triển. Các chính sách này chủ yếu tập trung vào hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại. Về mặt hàng cá tra, nhìn chung, tất cả cá tra nuôi tại Việt Nam đều được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và thực hiện quản lý theo hệ thống HACCP. Trong đó, một nửa lượng cá tra nuôi tại Việt Nam được kiểm soát và chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, AquaGAP, BAP/GAA, ASC).

Hiện, Việt Nam có gần 70 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra; 95% sản lượng cá tra được xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các khối thị trường dẫn đầu là EU, Mỹ, ASEAN, Canada, Trung Đông, Nhật Bản. Cá tra tại Việt Nam đang được nuôi trên diện tích 6.000 ha; năng suất bình quân 200 – 300 tấn/ha, dự báo đến năm 2020 diện tích nuôi có thể tăng.

Về xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê, đầu năm 2000, Việt Nam xuất khẩu chưa tới 2.000 tấn, hơn 10 năm sau đã tăng lên gần 700.000 tấn. Năm 2013, xuất khẩu cá tra đã đem lại cho Việt Nam gần 1,8 tỷ USD. Như vậy, việc gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành hàng tiềm năng này.

 

Việc lập sàn đấu giá và trung tâm phân phối cá tra tại EU đã tạo thời cơ nào cho cá tra Việt Nam, thưa ông?

Vừa qua, VASEP và cơ quan quản lý cảng Zeebrugge (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập một cơ sở phân phối cá tra Việt Nam tại EU thông qua Cảng Zeebrugge. Hoạt động này nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Bỉ và Việt Nam. Với thỏa thuận này, VASEP mong muốn thiết lập một cơ sở phân phối tại Cảng Zeebrugge để hợp nhất việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào EU. Cơ sở này sẽ hoạt động như một trung tâm thúc đẩy bán hàng, tiếp thị và xây dựng thương hiệu cho toàn bộ thị trường EU.

Cảng Zeebrugge hiện là trung tâm phân phối thủy sản hàng đầu của Bỉ cho thị trường châu Âu – Ảnh: Patrick Henderyckx

Cần xây dựng trung tâm phân phối và mở sàn giao dịch đấu giá thủy sản tại EU, bởi đây là thị trường chính của cá tra Việt Nam. Trong khi tại Nhật và Mỹ, Việt Nam đang gặp khó vì rào cản thương mại và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thì EU vẫn thông thoáng hơn, kinh tế tuy còn khó khăn nhưng sức tiêu thụ cá tra ở EU đã khởi sắc trở lại.

Sàn giao dịch Zeebrugge là một trong những sàn giao dịch nông sản xuất khẩu lớn tại EU, có Cảng Zeebrugge là trung tâm trung chuyển hàng hóa của cả châu lục. Thông qua Cảng Zeebrugge, thủy sản có thể nhập khẩu bằng tàu trọng tải lớn. Sau khi cập cảng này, chỉ trong 24 giờ hàng thủy sản Việt Nam đã có thể có mặt tại hơn 86% các siêu thị ở EU.

Ưu điểm của Cảng Zeebrugge đã khiến sàn giao dịch này thu hút hầu như tất cả các nhà nhập khẩu ở EU, vì giảm được chi phí lớn trong bảo quản và phân phối hàng hóa (Zeebrugge là cảng nước sâu tiếp nhận hàng hóa phục vụ các thị trường nội khối EU và Anh; mặt khác, nằm ở vị trí giữa cảng Le Havre (Pháp) và Hamburg (Đức), Zeebrugge hiện là trung tâm phân phối thủy sản hàng đầu của Bỉ cho EU). Theo đó, doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong kinh doanh và phân phối sản phẩm cá tra trên thị trường quốc tế. Mọi hợp đồng được ký kết sẽ công khai, minh bạch, tạo sức mạnh liên kết lâu dài, ổn định; người bán được chia sẻ và cung cấp thông tin nhanh, chính xác. Tham gia vào chuỗi cung ứng này, doanh nghiệp còn giảm được chi phí vận chuyển khi xuất khẩu số lượng lớn. Ví dụ, trước đây xuất khẩu 3 container hàng tại 3 cảng, giá mỗi container 3.000 USD; nay tập trung cả 3 container này về một Cảng Zeebrugge thì giá giảm còn 2.000 USD. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn khi nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, người nuôi cá tra cũng có lợi. Mặt khác, do “buôn có bạn, bán có phường”, đây cũng là mục tiêu và là truyền thống của người Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cũng có những phản hồi và chỉ đạo sản xuất hiệu quả hơn, điều chỉnh cung – cầu (diện tích, sản lượng) phù hợp. Văn phòng đại diện Việt Nam tại EU sẽ là nơi tìm hiểu, cung cấp thông tin nhanh, bảo vệ quyền và lợi ích các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cùng đó, sẽ có một đầu mối cung ứng cá tra duy nhất từ Việt Nam, trực tiếp mua bán với các đầu mối nhập khẩu ở cảng. Và như vậy, sẽ không có tình trạng từng doanh nghiệp riêng lẻ đàm phán với đối tác; tránh được nguy cơ phá giá, chào giá quá thấp một cách bất hợp lý hoặc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

 

Bên cạnh những thuận lợi như thế, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khi gia nhập mối liên kết này sẽ gặp thách thức nào?

Việc thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại Zeebrugge nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong cả nước. Nhưng, để có được hiệu quả tốt nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết và phải đóng góp một khoản phí nhất định cho hoạt động văn phòng đại diện, kho giữ sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp cần năng động hơn nữa và đẩy mạnh sự liên kết, phối hợp và vào cuộc của các ngành liên quan (như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao…) trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; cùng đó là việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, những tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Bởi, bên cạnh một số doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng và đáp ứng được mọi yêu cầu của nhà nhập khẩu, thì có tới 30% người nuôi cá tra nhỏ lẻ của Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất còn hạn chế.

Năm 2014, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn khả quan – Ảnh: Duy Khương

 

Theo ông, cần có những giải pháp nào để sản phẩm cá tra ngày càng thuận lợi hơn, tránh được rủi ro trong sản xuất, xuất khẩu?

Năm 2014, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khả quan, do nhu cầu về cá thịt trắng tăng cao, mà cá tra là sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi này, bởi giá trị dinh dưỡng và kinh tế.

Để tận dụng thời cơ và tiềm năng sẵn có, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng và tìm thêm thị trường mới còn nhiều tiềm năng như Trung Quốc, ASEAN, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ…; đồng thời, giữ vững và duy trì những thị trường cũ tuy có đòi hỏi khắt khe hơn. Kết hợp với việc đối thoại, đàm phán, cung cấp và minh bạch thông tin. Mặt khác, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý, đảm bảo cung cầu; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao nhận thức của người nuôi. Cùng đó, mở rộng và thực hiện tốt việc liên kết theo chuỗi (đây là xu thế tất yếu cần hướng tới của một nền kinh tế thị trường).

>> “Từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng đã gặt hái được nhiều thành công. Bên cạnh những rào cản thương mại, cá tra Việt Nam đang dần hoàn thiện và đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của thị trường”, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Nguyễn Viết Mạnh chia sẻ.

Phương Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!