Hiệu quả từ những Tổ đồng quản lý nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc thành lập và trao quyền cho các Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây đã góp phần tạo dựng mối liên kết giữa cộng đồng ngư dân trong quá trình vươn khơi, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Những ngày cuối tháng 11, vùng biển ven bờ xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh tương đối lặng sóng, tạo điều kiện thuận lợi cho những chiếc thuyền có chiều dài dưới 12 m vươn khơi bám biển. Theo bà con ngư dân nơi đây, thời điểm này đang chính mùa khai thác cá, ghẹ, nên đàn ông trai tráng tranh thủ thời tiết nắng ráo kéo thuyền lên bờ kẻ vẽ sơn màu tàu cá; còn lực lượng hậu cần tu sửa ngư lưới cụ để không bỏ lỡ ngày nắng nào, tăng gia khai thác nhằm nâng cao thu nhập. 

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ phối hợp với Đồn Biên phòng kịp thời phát hiện, bắt giữ tàu cá vi phạm

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, cùng với việc ban hành một số chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh và sự vào cuộc tích cực của Ban đại diện Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 11 (xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên), một số hạng mục hạ tầng, thiết bị máy móc đã được đầu tư, hỗ trợ ngư dân vươn khơi. 

Ông Võ Văn Lộc, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 11 cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi đã hỗ trợ cùng nhau mua 1 chiếc xe máy kéo để dân đi biển cho đỡ sức. Quá trình khai thác, chúng tôi còn nắm bắt thông tin để báo cho Đồn Biên phòng 168 hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển yên tâm hơn. Ngoài ra, chúng tôi đã hỗ trợ người dân làm được 3 con đường cho 3 thôn để bà con đi lại sản xuất thuận tiện hơn”. 

Có tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển 

Đang dốc sức kéo xe đưa những tấm lưới bị hư hỏng về nhà để tu sửa, anh Nguyễn Công Minh, xã Yên Hòa không ngớt lời chia sẻ về những lợi ích thiết thực mà Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 11 đem lại cho ngư dân. Ông Minh cho biết: “Từ khi có Tổ đồng quản lý, chúng tôi đi biển khỏe hẳn ra. Tổ không chỉ hỗ trợ làm giấy phép khai thác thủy sản; kẻ, vẽ đánh dấu tàu thuyền, thống kê số lượng tàu cá; phối hợp phát hiện, bắt giữ tàu cá khai thác bất hợp pháp… mà đến cả việc thuyền đi hay thuyền về, Tổ đều hỗ trợ xe máy kéo để kéo thuyền giúp. Đây là công việc thường xuyên mà trước kia phải cần đến 5 – 6 người mới làm được và mất khá nhiều thời gian”. Còn bây giờ, có Tổ nghề cá hỗ trợ, chỉ sau 5 đến 10 phút, thuyền đã được kéo lên bờ hoặc đưa ra biển. Vì thế, đã giúp thuyền của tôi gia tăng được số ngày khai thác, nâng cao sản lượng hải sản, gia tăng thu nhập bình quân lên 130 – 150 triệu đồng/ thuyền viên/năm. Ngư dân chúng tôi phấn khởi lắm”. 

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 11 có 56 thành viên, hiện đang liên kết vận hành 54 chiếc thuyền khai thác các loài hải sản ven bờ như ghẹ, mực, ruốc, cá các loại… Trong quá trình hoạt động, hàng tuần, hàng tháng, tổ phối hợp với Đồn Biên phòng 168 tổ chức các đợt tuyên truyền để nâng cao ý thức của bà con về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU. Theo đó, ngư dân được nâng cao kiến thức, hiểu biết về Luật Thủy sản và các quy định hiện hành, hướng đến hoạt động khai thác minh bạch và thân thiện với môi trường. Tổ đồng quản lý cũng được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. 

Qua theo dõi, nhờ thông tin tố giác của tổ đồng quản lý, các hành vi sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt như: mìn, xung điện, giã cào… trên vùng biển gần bờ thuộc huyện Cẩm Xuyên đang có chiều hướng giảm. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, phụ trách Phòng khai thác, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, việc thành lập Tổ đồng quản lý nói chung và Tổ đồng quản lý Yên Hòa nói riêng đến nay đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đó là đã ngày càng nâng cao được năng lực quản lý khai thác thủy sản như kiểm đếm tàu cá, thông qua tổ đồng quản lý phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt số lượng tàu cá trên địa bàn rất chính xác; công tác cấp phép khai thác thủy sản, đến nay toàn tỉnh mới được 92% nhưng tổ đồng quản lý Yên Hòa đã đạt 100% tàu cá có giấy phép theo quy định, và đã có 100% tàu cá được kẻ vẽ theo đúng quy định. Ngoài ra, ban đại diện và bà con ngư dân thường xuyên nắm bắt thông tin tàu cá hoạt động trên biển để trao đổi cơ quan chức năng, khi có tình trạng khai thác bất hợp pháp thì Tổ đồng quản lý phối hợp cơ quan chức năng để triển khai xử lý. 

Hiệu quả bước đầu của Tổ đồng quảnlýnghềcávenbờsố11là không thể phủ nhận, song hạn chế lớn nhất là công suất đội tàu quá nhỏ, rất khó khăn trong việc truy đuổi tàu giã cào. Vì vậy, để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ, nhiều thành viên cho rằng cần có chính sách trợ lực của Nhà nước, nhất là với những tổ đồng quản lý mà ở đó nghề cá nhân dân đang chiếm ưu thế và không phải ngày một ngày hai có thể chuyển đổi sang nghề cá có trách nhiệm. 

Nguyễn Hoàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!