T2, 06/07/2020 10:15

Hòa Thắng, làng chài yên bình

Chưa có đánh giá về bài viết

Làng chài Hòa Thắng – nơi còn nhiều nét hoang sơ, mang nét đặc trưng rất riêng ở vùng biển Bình Thuận.

Làng chài Hòa Thắng, còn được gọi là làng chài Bãi Ốc, thuộc xã Hòa Thắng,  Bắc Bình.  Bãi Ốc là nơi con nước lên xuống ổn định. Rất phù hợp cho tàu thuyền neo đậu vào mùa gió bấc. Hầu hết phương tiện đánh bắt hải sản của người dân địa phương đều tập trung ở bãi Ốc. Sở dĩ gọi  là bãi Ốc, vì trước kia ở bãi này có nhiều loại ốc biển…


Rất nhiều nghề

Ở Hòa Thắng, ngư dân thường đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến đi chỉ cách bờ chừng vài hải lý. Với đặc điểm  như thế, nên phương tiện đánh bắt ở đây chủ yếu là thúng và thuyền công suất nhỏ…  Lão ngư Nguyễn Tám cho biết: “Ở đây ngư dân đánh gần bờ và làm rất nhiều nghề. Ai  thuận nghề gì thì làm nghề đó”.  

 

Ngư dân làng chài Hòa Thắng đang gỡ cá.

Làng chài Hòa Thắng có hàng trăm phương tiện hành nghề. Người ra biển đánh bắt hầu hết là đàn ông, thanh niên. Bởi nghề này đòi hỏi người làm nghề phải đủ sức khỏe để vượt qua sóng dữ. Để lưới được con cá, con mực không phải là chuyện dễ dàng. Thức đêm dậy sớm, dãi dầu mưa nắng… Ai chịu được mới trụ nổi lâu dài. Nghe nói, nghe kể rất nhiều về nghề đi biển, đến đây, chúng tôi thực sự mới cảm nhận được nỗi vất vả nhọc nhằn của người dân chài. Công việc của họ cũng khá đặc thù. Đi biển từ đêm hôm trước, làm việc mải miết, cho đến sáng hôm sau mới trở về. Nhịp sống ấy như đã quen với những người dân chài ở đây. Anh Trần Văn Năm cho biết: “Khoảng 1 giờ khuya mình bắt đầu đưa thuyền ra biển. Chừng một tiếng sau  mới xuống lưới.  5 giờ sáng là bắt đầu kéo lưới. Đến gần 7 giờ  là vô tới bờ.”


Tay làm hàm nhai

Gần 40 năm làm nghề biển ở Hòa Thắng, ông Phan Văn Hào  cho biết: “Bình thường, tui ra xa khoảng gần chục hải lý. Nếu  biển  động thì đi khoảng 4 – 5 hải lý thôi. Làm nghề nào cũng vất vả. Không có thời gian nghỉ ngơi đâu. Vào  trong bờ, bán cá, ăn sáng xong thì lấy lưới ra vá. Đến trưa chỉ dám chợp mắt, rồi dậy vá lưới tiếp. Không rảnh được mấy đâu. Trừ khi biển động quá mới ngồi nhậu lai rai vài ly với anh em cho vui”. Vào bờ, dù rất mệt, nhưng họ vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Ngư dân cùng với vợ con, nhanh chóng gỡ lưới, để kịp bán cá cho thương lái mang đi các chợ. Đó là nguồn sống cho cả gia đình ngư dân. Tiền ăn uống, sinh hoạt,  học  hành của con cái đều nằm trong mớ cá. Hôm được nhiều, hôm thì được ít. Do đó, “nghề biển vô chừng” đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều ngư dân.

Không phải ngày nào cũng đánh bắt được nhiều. Có hôm may mắn, gặp được luồng cá, thu nhập lên tới vài triệu đồng một ngày. Nhưng cũng có hôm, không được con nào. Chuyến đi trắng tay luôn là nỗi ám ảnh. Những lúc ấy, họ lại nuôi hy vọng cho chuyến đi sau. Người dân Hòa Thắng cho biết, so với ngày xưa,  nghề biển ngày càng khó hơn. Nguồn lợi hải sản không còn nhiều như trước. Nhiều loại thuyền (có công suất lớn) từ nơi khác đến đánh giã cào đã làm cạn kiệt nhiều loại sản vật biển. Ngư dân địa phương chủ yếu đánh bắt gần bờ, đã gặp không ít khó khăn. Theo nhiều người, làm nghề đánh bắt gần bờ thu nhập không cao. Có lúc này lúc kia. Bình quân mỗi một chuyến đi vào, họ kiếm được khoảng vài trăm ngàn đồng. Trừ các khoản chi phí như: xăng dầu, hao mòn ngư  cụ… thì số tiền còn lại  vừa đủ đắp đổi qua ngày. Ông Hào nói với chúng tôi: “Có hôm thì được năm – bảy trăm ngàn đồng. Có hôm được triệu mấy. Bữa nào trúng lắm thì được khoảng 3 triệu đồng. Đa số vài trăm là nhiều. Cũng đủ chi phí xăng dầu, gạo cơm, nuôi con nuôi cái sống qua ngày. Vợ con cũng phải tiện tặn, mới đủ”.


Ngày ngày với biển

Với nghề biển, lúc sóng gió, ghe thuyền nằm bờ thì thôi. Chứ lúc bình thường đã làm rồi, thì làm cật lực. Hết việc này qua việc khác. Làm cho kịp chuyến biển hôm sau. Họ siêng năng cần mẫn, không quản ngại vất vả. Mong sao, sau mỗi chuyến đi, số cá mực hay ốc ghẹ bán được, thu về kha khá để lo cho cuộc sống gia đình. Sự bền chí ấy đã giúp cho làng chài Hòa Thắng ngày càng vươn lên. Những xóm dân cư, vốn là những dãy nhà đơn sơ nằm ven động cát, nay đã sáng sủa hơn nhiều. Làng chài Hòa Thắng vắng hẳn những mái nhà tranh vách xiêu vẹo. Thay vào đó là những dãy nhà kiên cố, vững chãi.

Dân trí mở mang. Những con đường mở rộng thênh thang. Thuận lợi cho việc đi lại. Môi trường sống của khu dân cư thông thoáng, sạch sẽ. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân làng chài tươm tất, đàng hoàng hơn trước. Sau những giờ lao động nặng nhọc, họ hòa mình trong không gian xứ biển thanh bình.  Ngày qua ngày, nơi làng chài này, những ngư dân cần mẫn tiếp tục vượt sóng xa bờ. Họ không ước muốn gì hơn mang về những mẻ lưới nặng đầy tôm cá. Cứ thế, nơi bãi Ốc, vào mỗi buổi sáng, người dân vạn chài lại có dịp gặp nhau sau chuyến đánh bắt trở về. Tiếng cười tiếng nói rất đỗi thân quen. Cuộc sống đong đầy tình nghĩa. 

Đối với họ, biển là quê hương – nơi đây giúp họ trưởng thành. Không gian xứ biển  nuôi dưỡng tâm hồn và tính cách của họ. Sự nhẫn nại và kiên trì  giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, sóng gió. Dù cuộc sống có biết bao nỗi gian lao, nhưng người dân Hòa Thắng vẫn tiếp tục gắn bó với nghề biển quê hương mình. Ông Nguyễn Tám (gần 60 tuổi) chia sẻ: “Cái nghề của mình, mình bỏ không được. Nói thẳng như thế! Mình phải để kiếm miếng ăn. Làm đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi, chú à”.

Nguyễn Vui

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!