Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 2/2015 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôi mới thả tôm được 1 tuần thì ao bị mất màu. Làm thế nào để gây màu nhanh nhất, tôi có nên gây màu lại như lúc mới cải tạo ao? Nguyễn Văn Chính (Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Do nhiều nguyên nhân nên khi thả tôm giống được 7 – 10 ngày nước ao bị mất màu; tuy nhiên, giai đoạn này tôm còn nhỏ nên ảnh hưởng của việc mất màu nước chưa nhiều. Không nên sử dụng phân vô cơ (phân hóa học) vì sẽ ảnh hưởng xấu đến tôm, kích thích tảo đáy phát triển. Nên dùng một số chế phẩm sinh học để gây màu. Khi cho tôm ăn, lượng thức ăn thừa (thức ăn số nhỏ) sẽ giúp tạo màu nước ao.

 

Hỏi: Tôi đọc báo thấy nuôi tôm bằng công nghệ nano bạc ở nhiều nơi thành công. Vậy nano bạc là gì, tác dụng thế nào? Nguyễn Thanh Dương (Bình Đại, Bến Tre)

Trả lời:

Nano bạc có thể hiểu là những phân tử bạc có kích thước rất nhỏ. Vì có kích thước rất nhỏ, hoạt lực mạnh nên nano bạc có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng rất mạnh. Bản thân ion bạc (Ag) là một chất có tính diệt khuẩn.

Nano bạc có tác dụng diệt khuẩn nên có thể phòng trị được nhiều bệnh trên tôm hiện nay (như các bệnh đốm nâu, đỏ toàn thân…). Bên cạnh đó, khi nano bạc phân tán trong ao nuôi tôm sẽ giúp ổn định chất lượng nước, khử mùi tanh hôi của nước…

 

Hỏi: Tôi đang nuôi tôm càng xanh và vẫn cho ăn tép tươi và thức ăn công nghiệp. Ngoài những loại thức ăn trên thì có thể cho tôm càng xanh ăn thêm những loại thức ăn gì để giảm chí phí mà vẫn hiệu quả? Hoàng Đức Đương (Tam Nông, Đồng Tháp)

Trả lời:

Khi nuôi tôm càng xanh ở giai đoạn đầu thả giống thì thức ăn tốt nhất vẫn là trùn chỉ, cá hoặc tép xay. Khi tôm trưởng thành thì sử dụng thức ăn nhân tạo là tốt nhất. Ngoài những loại thức ăn trên, còn có thể sử dụng thức ăn tươi là phụ phế phẩm lò mổ cho ăn trực tiếp hoặc dùng tấm, cám, bột cá, bột thịt… trộn và hấp chín ép thành viên cho tôm ăn, hàm lượng đạm trong thức ăn phải đảm bảo 25 – 30%.

Cũng cần lưu ý, khi sử dụng thức ăn tươi sống, sau khi băm, xay nhỏ nên cho vào sàng (vó) để dễ kiểm tra, không nên rải thức ăn khắp ao, vì thức ăn tươi khi xay thì tan nhanh gây ô nhiễm nước ao.

 

Hỏi: Tôi nuôi TTCT đang ở tháng thứ ba. Do nước ao có độ mặn thấp, tôi cho tôm tăng cường ăn khoáng để cứng vỏ nhưng lại thấy nước có màu xanh đậm do tảo phát triển. Nguyên nhân tại sao, khắc phục thế nào?Ông Nguyễn Thuấn (Hải Hậu, Nam Định)

Trả lời:

Khoáng chất cung cấp hàm lượng Ca, Mg cần thiết cho quá trình tăng trưởng tôm. Thiếu khoáng chất thì tôm thẻ dễ bị bệnh đục cơ, cong thân, mềm vỏ.

Để ngăn chặn hiện tượng mềm vỏ, cong thân…, người nuôi thường trộn khoáng chứa các nguyên tố Ca, Mg, P,… cho tôm ăn. Tuy nhiên, nếu trộn cho tôm ăn quá nhiều thì tôm không hấp thụ kịp, bị thừa và thải ra môi trường. Các nguyên tố này lại là dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của một số loại tảo trong ao, trong đó có tảo lam làm cho nước có màu xanh.

Để khắc phục tình trạng này, có thể thay nước để giảm mật độ tảo, sau đó dùng chế phẩm sinh học để cân bằng hệ vi sinh có lợi trong nước. Nên trộn khoáng cho tôm ăn với liều lượng 3 – 5 ml/kg thức ăn, cho ăn không quá 2 bữa (cữ)/ngày.

 

Hỏi: Xin cho biết tập tính ăn và quá trình lột xác lớn lên của tôm thế nào? Nguyễn Đức Khiêm (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Tùy từng loài tôm và giai đoạn sống mà tôm có tập tính ăn khác nhau. Giai đoạn ấu trùng chúng ăn chủ yếu các loài tảo, động vật phù du nhỏ, mảnh vụn mùn bã hữu cơ. Tôm lớn dần lên sẽ ăn các loại giun, tôm tép nhỏ, cá con… Trong khi nuôi tôm, tôm có hiện tượng ăn lẫn nhau, tôm lớn ăn tôm nhỏ, tôm chưa lột ăn tôm mới lột.

Tôm giảm ăn vào những ngày nhiệt độ thấp, mưa nhiều, thời tiết thay đổi đột ngột. Tôm cũng giảm ăn vào giai đoạn lột xác hay tôm bị bệnh.

Tôm lớn nhờ lột xác, tùy thuộc giai đoạn của tôm mà số lần lột xác nhiều hay ít. Tôm càng lớn thì thời gian lột vỏ càng lâu (15 – 30 ngày mới lột vỏ 1 lần. Quá trình lột vỏ của tôm tùy thuộc rất nhiều vào điều kiên thức ăn và môi trường. Vì vậy, khi nuôi tôm cần chú ý đến vấn đề này để giúp tôm lột vỏ và phát triển tốt hơn. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!