Hỏi – Đáp thủy sản tháng 6 (P2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Dấu hiệu nhận biết cá chép bố mẹ có thể cho đẻ?

(Nguyễn Hoàng Nam, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội)

Trả lời:

Khi cá muốn đẻ sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như: cá có hiện tượng nhô vây, hở đuôi, hay lượn sát ven bờ. Khi đó, bắt lên một vài con để kiểm tra chính xác.

Con cái: Khi sắp đẻ, bụng to kềnh, lật ngửa cá lên thấy giữa bụng có một ngấn hằn lõm vào, kéo dài từ vây ngực đến tận hậu môn (dọc theo giữa hai buồng trứng). Sờ bụng thấy mềm nhũn, da bụng mỏng, nhất là phía cuối. Lỗ sinh dục đỏ thẫm và hơi lồi. Nếu vuốt nhẹ vào thành bụng, trứng sẽ chảy ra, màu vàng sẫm, trong suốt và rời thành từng cái là trứng đã già. Những cá này có thể cho đẻ ngay đợt đầu. Ngoài ra, những con cá cái bụng to quá mức bình thường, bành ra như bụng cóc, sờ vào thấy mềm nhão thường rất khó đẻ (cá đã thoái hóa). Ngược lại, những con cá cái khi vuốt thấy trứng màu vàng đục hoặc vàng xanh dính vào nhau từng chùm là trứng còn non.

Cá đực: Lúc sắp phóng tinh trùng, nếu vuốt nhẹ hoặc cầm mạnh cá, tinh dịch cũng chảy ra, có màu trắng như nước vo gạo và đặc sền sệt. Trường hợp tinh dịch còn loãng, tuy vẫn có màu trắng nhưng không đặc quánh là sẹ còn non.

Hỏi: Ốc hương chết hàng loạt là do nguyên nhân gì? Biện pháp phòng bệnh hiệu quả?

(Nguyễn Thị Hà, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)

Trả lời:

Chết hàng loạt là hiện tượng xảy ra phổ biến ở các trại sản xuất giống, ao và lồng nuôi thương phẩm ốc hương. Ốc bò lên bề mặt nền đáy bể hoặc lồng nuôi, bò ăn và chết rất nhanh sau 1 đến 2 ngày, đặc biệt với ốc giai đoạn ương giống. Dấu hiệu kèm theo là vòi lấy thức ăn của ốc lòi ra, sưng tấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng hợp các tác nhân gồm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển trong điều kiện môi trường nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này. Hiện nay, các phương pháp trị bệnh cho ốc hương chưa mang lại hiệu quả, do vậy chỉ có phòng bệnh là chủ yếu.  

Để phòng bệnh cho ốc hương, cần chú ý: Vùng nuôi ốc hương phải sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước ngọt, độ mặn 25 – 35‰, pH khoảng 7,5 – 8,5, nhiệt độ 26 – 300C. Cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, hàm lượng ôxy hòa tan để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ốc hương phát triển, đặc biệt chú ý đến yếu tố nhiệt độ và độ mặn. Mật độ thả 300 con/m2, kích cỡ con giống 10.000 – 15.000 con/kg. Mực nước trong ao nuôi khoảng 0,8 – 1,5 m, có hệ thống cấp thoát nước thuận lợi. Thức ăn ưa thích của chúng là động vật thân mềm, nhuyễn thể, cá tạp. Trong quá trình nuôi, thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học… để hạn chế ô nhiễm nước ao nuôi. Ngoài ra, nên bổ sung một số loại Vitamin C, B1… vào trong thức ăn để giúp ốc sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!