Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 9/2015 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Nuôi tôm sú môi trường nước ô nhiễm, thiếu nước cấp, do nước ngoài sông bị phát sáng. Xin hỏi cách khắc phục? Nguyễn Chí (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời

Trong hệ thống ao nuôi tôm, người nuôi nên bố trí ao lắng, diện tích 20 – 25% hệ thống ao nuôi để chủ động nguồn nước bổ sung cho ao nuôi khi cần. Trường hợp nuôi tôm sú thiếu nước cấp vào, nước ngoài sông bị phát sáng, tùy vào mức độ ô nhiễm trong ao nuôi mà có cách xử lý khác nhau. Nếu nước ao nuôi quá ô nhiễm thì vẫn cứ thay nước. Sau vài ngày, khi chất lượng nước ổn định, diệt khuẩn nước bằng BKC 1 – 2 g/m3 hoặc thuốc tím 4 – 5 g/m3. Sau 1 – 2 ngày, bón chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi. Nếu mức độ ô nhiễm nhẹ có thể sử dụng vôi nông nghiệp hoặc Zeolit để lắng tụ chất hữu cơ lơ lửng, sau đó bón vi sinh cải thiện môi trường nước, chờ khi nước ngoài môi trường ổn định thì thay nước. Cần tăng cường quạt nước trong suốt thời gian xử lý.

 

Hỏi: Nuôi ghép cá rô phi với tôm sú, thả cá rô phi thế nào thích hợp nhất? Phương Minh Tiến (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời

Nuôi ghép tôm với cá rô phi, sau khi lắp đặt máy quạt nước, gây màu nước thì tiến hành thả tôm và nuôi như quy trình kỹ thuật bình thường. Sau 20 ngày nuôi, lượng chất thải tích tụ nhiều thì thả cá rô phi dòng đơn tính. Đối với ao TTCT mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, nên thả cá rô phi cỡ lớn (15 – 20 con/kg) trong giai vèo (diện tích 7 – 10% ao nuôi),  mật độ cá thả 6 – 8 con/m2. Ao nuôi tôm mật độ thấp, nên thả cá cỡ 40 – 50 con/kg, mật độ 1 con/1 – 2 m2 ao. Không cho cá rô phi ăn trong quá trình nuôi. Định kỳ 15 ngày vệ sinh giai vèo 1 lần để chất thải dễ lọt vào, cá dễ sử dụng làm thức ăn.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!