Hỏi đáp Thủy sản tháng 9/2016 (P.3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Lươn nuôi trong bể bạt có những đốm đỏ trên thân, bơi lội lờ đờ. Hỏi nguyên nhân và cách phòng trị? (Lâm Tăng Sinh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo như mô tả thì lươn có triệu chứng bị bệnh đóng dấu. Bệnh thường xảy ra khi lươn bị xây xát. Theo đó, các vi khuẩn, ký sinh trùng sẽ bám vào chỗ xây xát đó sinh sống và phát triển dần thành những đốm đỏ. Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết hình tròn hay bầu dục màu đỏ. Bị bệnh nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn thường ngóc lên khỏi mặt nước để thở, mệt mỏi, bơi lờ đờ, yếu dần rồi chết. Có thể sử dụng Cenplex Cu để trị bệnh bằng phương pháp tắm lươn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có thể sử dụng Vime-fenfish 500 với liều lượng 1 lít/2,5 tấn lươn hoặc dùng Sulfamidine với liều lượng 0,5 g/50 kg lươn.

 

Hỏi: Xin hỏi cách sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho cá như thế nào cho hiệu quả? (Trần Văn Tùng, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Khi sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản cần hết sức thận trọng, chính xác và phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Cần hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh cho cá để tránh hiện tượng nhờn thuốc và ảnh hưởng dư lượng thuốc kháng sinh tồn dư trong sản phẩm. Loại thuốc, cách sử dụng thuốc tùy theo loại bệnh và tình hình bệnh. Nên sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn về thú y thủy sản không được dùng dựa trên kinh nghiệm, đặc biệt không dùng các loại thuốc, hóa chất không có trong danh mục cho phép hay những thuốc, hóa chất cấm sử dụng.

 

Hỏi: Làm thế nào để tôm nuôi phát triển tốt, đạt hiệu quả cao? (Đặng Quốc Bảo, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Chọn tôm giống sạch bệnh, đã qua kiểm dịch. Làm tốt công tác tẩy dọn, vệ sinh trước và sau một vụ nuôi. Hạn chế và tiêu diệt các vi sinh vật trung gian bằng các sản phẩm an toàn. Hệ thống ao lắng có diện tích 25 – 35% diện tích ao nuôi để chủ động nguồn nước thay. Sát trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi. Thả nuôi theo đúng thời vụ với mật độ thích hợp. Trong quá trình nuôi, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh, cùng đó quản lý tốt chất lượng nước ao nuôi, sự phát triển của tảo. Lựa chọn thức ăn có chất lượng tốt và cho ăn hợp lý. Thường xuyên theo dõi các thông tin quan trắc môi trường để có thể lấy được nguồn nước chất lượng cho hệ thống nuôi. Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số sản phẩm như Vitamin C, A, E… vào thức ăn.

 

Hỏi: Xin hỏi phương pháp loại bỏ cá rô phi tạp trong ao nuôi? (Lê Văn Huy, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên)

Trả lời:

Trong ao có nhiều cá rô phi tạp chỉ có thể xử lý bằng phương pháp thủ công là kéo toàn bộ cá trong ao và lọc cá rô phi tạp. Tiến hành kéo và lọc cá vào lúc trời mát để đảm bảo sức khỏe cho cá. Khi lọc cá cần nhiều người để đảm bảo thời gian lọc ngắn nhất, kéo dài không quá 4 giờ. Trước khi lọc, cho cá nhịn ăn khoảng 2 ngày. Cá rô phi tạp cạnh tranh thức ăn trực tiếp với các loài cá nuôi trong ao dẫn đến tiêu tốn thức ăn, không đủ thức ăn cho các đối tượng nuôi chính. Trong lượng cá rô phi tạp thường có kích thước thương phẩm nhỏ, giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, ao nuôi quá nhiều rô phi tạp thường sẽ bị lỗ. Để tránh hiện tượng này, sử dụng lưới có kích thước mắt lưới 100 mắt/1 cm để chắn trứng cá rô phi tạp khi lấy nước vào ao nuôi.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!