Hợp tác Công tư: Nâng tầm nông sản Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 2/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể và kỷ niệm 10 năm thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV).

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu và Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản. Trong bối cảnh này, Bộ NN&PTNT xác định doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản và sự phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó, đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm.

PSAV được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ “Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hướng tới mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải). Bộ NN&PTNT đã cùng 15 doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn đa quốc gia đầu tiên như: ADM, Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Bayer Vietnam, Swiss Re… thành lập Mô hình “PPP ngành nông nghiệp” nhằm kết nối các tác nhân trong ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc Hội nghị. Nguồn ảnh: Báo Công thương

Tới nay, PSAV đã thành lập được 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), các nhóm PPP đã tạo ra những thành quả tốt đẹp và triển vọng tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam. PSAV của Việt Nam là mô hình đầu tư PPP mà các tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới đã lấy làm hình mẫu của nghiên cứu tình huống điển hình trong việc phát triển kinh tế và hoạch định chính sách cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững tại các quốc gia.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các mô hình đầu tư TPP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, thảo luận về cơ chế chính sách hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến PPP thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững, bắt kịp xu hướng hiện đại.

Nguyễn An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!