Theo Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia, Sharief Cicip Sutardjo, gần 50% diện tích các rạn san hô bị hủy hoại ở Indonesia, chiếm tới 67% tổng diện tích các rạn san hô của nước này, đã được phục hồi.
Những loại san hô khác nhau tại khu vực Tam giác san hô – Nguồn: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Sharief Cicip Sutardjo nói rằng kết quả nói trên đạt được là nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhất là các cấp quản lý cơ sở của Bộ Biển và Nghề cá, với sự phối hợp và giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB), thực hiện Chương trình Phục hối và Quản lý các rạn san hô (Coremap) từ cách đây 5 năm.
Ông Sharief Cicip Sutardjo cho biết tiến trình phục hồi các rạn san hô bị hủy hoại không hề dễ dàng, song kết quả đạt được rất đáng khích lệ, một phần còn nhờ chương trình Coremap phù hợp với kế hoạch phát triển nền kinh tế “xanh” của chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Trong khuôn khổ nỗ lực nói trên, Indonesia cũng đã thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Malaysia, Brunei Darussalam, Philippines, Thái Lan và Timor Leste để bảo vệ khu vực Tam giác San hô vẫn được mệnh danh là “Lá phổi của biển” hay “Amazon biển,” và chương trình Coremap đã được Chính phủ Mỹ và Australia hỗ trợ.