T4, 13/09/2023 02:56

Khi nuôi tôm theo chuỗi phát huy giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đặt mục tiêu xây dựng 4 mô hình sản xuất theo hình thức liên kết nuôi tôm nước lợ tại 8 tỉnh ven biển đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau. Trong đó mô hình thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thả hơn 60 vạn tôm thẻ chân trắng giống để triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ – liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị tại xã Cộng Hòa, TP. Cẩm Phả. Đây là nơi có nhiều hộ dân nuôi tôm lâu năm của tỉnh Quảng Ninh. Mô hình liên kết 5 nhà gồm nhà quản lý; nhà khoa học; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm; người nuôi tôm và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm. 

Các chuyên gia tham quan mô hình nuôi tôm công nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Cộng Hòa, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ảnh: ST

Cũng vào thời điểm ấy, tổ liên kết nuôi tôm thương phẩm ra đời với 10 thành viên. Các hộ có thể tham gia phản ánh, kiến nghị những vướng mắc với chính quyền, hay cử đại diện đi đàm phán ký kết hợp tác với các công ty giống, thức ăn, chế phẩm, tìm đầu ra cho con tôm. Qua đó vừa đảm bảo chất lượng tôm nuôi lại vừa giảm giá thành đầu vào, đồng thời đầu ra cũng được duy trì. Ngoài ra, các chuyên gia nuôi tôm hàng đầu trong nước cũng thường xuyên kết nối với các hội viên của tổ liên kết để phổ cập, hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc tôm khoa học. 

Sợi dây liên kết trong sản xuất tôm ở Quảng Ninh được hình thành bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người nuôi, góp phần cải thiện sản lượng tôm trong tỉnh. Tính đến hết tháng 8 diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh là 7.500 ha; sản lượng đạt 21.976 tấn với 3.012 cơ sở nuôi tôm. 

Các hộ tham gia mô hình được tặng thức ăn nuôi tôm và kit kiểm tra môi trường nước. Ảnh: ST

Tại hội nghị “Xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị” vừa diễn ra tại Quảng Ninh, ông Hoàng Văn Thu, phó tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp xã Cộng Hòa chia sẻ: Nếu như trước đây người dân trên địa bàn xã chủ yếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh, một phần diện tích là nuôi tôm quảng canh cải tiến thì 2 năm trở lại đây, khi mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp đã giúp nhiều hộ nuôi tôm có thu nhập ổn định. Khi người nuôi và doanh nghiệp thường xuyên có sự kết nối tương tác qua mô hình liên kết chặt chẽ cũng góp phần giải quyết nhiều khó khăn như khâu con giống, thức ăn và chất lượng đầu ra. 

Cũng tại hội nghị này, ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã chia sẻ kinh nghiệm về liên kết chuỗi tôm tại ĐBSCL. Theo đó, các mô hình liên kết chuỗi đã giúp người nuôi quy mô nhỏ canh tác ổn định và bền vững hơn, đặc biệt là ít có biến động về thị trường và giá bán, người nuôi có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu…Không chỉ vậy, qua mô hình này doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng yên tâm hơn khi có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo truy xuất và kiểm soát chất lượng, giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh. 

Đánh giá về mô hình nuôi tôm theo chuỗi giá trị tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và việc áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh: Người nuôi tôm cần phát triển các mô hình hợp tác, đó là sự liên kết giữa người dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các HTX, Chi hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nghiên cứu, phát triển các doanh nghiệp xã hội trong nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Ngoài ra, để thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển thì cũng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường gắn với xây dựng thương hiệu. 

Thùy Khánh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!