Khoa học công nghệ: Nhân tố then chốt trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là một trong những nhân tố chính, khâu then chốt thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là quan điểm được đưa ra tại Hội thảo “Khoa học và công nghệ phụ vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới” ngày 6/12, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đồng chủ trì.

Báo cáo của Bộ KH&CN tại Hội thảo cho thấy, từ năm 2011 đến nay, ngành NN&PTNT đã đạt được một số kết quả nổi bật trong nhiệm vụ KHCN. Trong lĩnh vực trồng trọt đã công nhận được 48 giống lúa mới giúp tăng 10 – 15% năng suất. Bên cạnh đó, một loạt giống cây công nghiệp như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, chè có năng suất vượt trội so với các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực thủy sản, đã chuyển giao công nghệ nuôi và xây dựng được 800 m3 mô hình nuôi lồng một số đối tượng thủy sản nước ngọt như tôm càng xanh, cá lăng, cá hồi vân; Phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP…

Cùng với trồng trọt, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, công nghệ chế biến, bảo quản và sau thu hoạch, thủy lợi cũng đạt được một số thành tựu nhất định.

Tuy nhiên, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định so với đòi hỏi của thực tế, việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, các công trình, nhiều nghiên cứu ra được thực tế đã bị lạc hậu. Đặc biệt, thời gian qua, các nghiên cứu quá tập trung vào nâng cao năng suất và thâm canh khiến giá trị, chất lượng bị tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cần phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược và cả tư duy dành cho KHCN. Đồng thời, việc liên kết giữa các doanh nghiệp với viện nghiên cứu chưa nhiều, chưa có nhiều hiệu quả thiết thực…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận định, Hội thảo lần này là dịp để Chính phủ, các bộ ngành cùng các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp cùng đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp để ứng dụng ngày có hiệu quả hơn KHCN vào sản xuất nhằm tạo sản phẩm có giá trị cao, tăng năng suất, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo thêm mối liên kết giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, viện nghiên cứu để các ứng dụng KHCN ngày một hiệu quả.

KHCN trong nông nghiệp đang đứng trước cơ hội phát triển với đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo cùng tính sáng tạo của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần mạnh dạn, quyết tâm thực hiện; Đồng thời, khẩn trương tháo gỡ các kiến nghị, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, ưu đãi phát triển KHCN trong nông nghiệp đối với doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận “Thực trạng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật của Tập đoàn Việt-Úc trong lĩnh vực thủy sản” và “Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Công ty THNN SX&TM Trúc Anh”; đây là hai đơn vị tiêu biểu của ngành thủy sản đã áp dụng thành công tiến bộ của KHCN vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả vượt trội.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!