Khủng hoảng cá tra: Hệ lụy phát triển doanh nghiệp khép kín

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản xuất và kinh doanh cá tra ở ĐBSCL, về cuối năm 2012 càng khó khăn; từ góc nhìn kinh tế ngành thấy dấu hiệu hệ lụy từ phát triển doanh nghiệp theo kiểu khép kín.

Từ A đến Z

Năm 2010, sau khi xảy ra khủng hoảng thừa năm 2008 và bắt đầu thiếu năm 2009, người nuôi và người chế biến cá tra ngày càng khó nhìn thấy nhau, chỉ gửi cho nhau những lời trách móc. Tình thế đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu đã đầu tư mạnh cho vùng nuôi để chủ động nguyên liệu. Hết tháng 6/2010, ĐBSCL thả giống 3.749 ha, trong đó nuôi quy mô lớn (10 ha trở lên) tăng mạnh và vùng nuôi của các DN chế biến nổi bật lên. Nhiều DN nuôi cá tra diện tích lớn được cấp chứng nhận GlobalGAP.

Vẫn sự hào hứng ấy, năm 2011, nhiều DN tuyên bố đã chủ động được 40 – 60% nguyên liệu chế biến. Còn theo VASEP, có 49 DN áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiến tiến cho những vùng nuôi, tổng diện tích 2.000 ha. Các DN chế biến lớn đã lo được 60 – 70% nguyên liệu.

Sang năm 2012, theo Tổng cục Thủy sản, đã có “chuyển biến mạnh mẽ của các DN chế biến, hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có DN tự chủ nguyên liệu được 60 – 70% công suất chế biến. Số diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế tăng, đến nay có khoảng 2.000 ha đạt chứng nhận GlobalGAP, chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi”.

Thế rồi, bất chấp sự “chủ động nguyên liệu”, nhiều DN lâm vào cảnh khó khăn gay gắt, đi đến giảm công suất hoặc đóng cửa nhà máy. Bianfishco ở Cần Thơ có nhà máy, vùng nuôi và cả viện nghiên cứu, mất 7 tháng vượt khủng hoảng nợ, đầu tháng 10/2012, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vào làm chủ thì mới bắt đầu mua cá tra chế biến. Công ty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã ở Cần Thơ có vùng nuôi khi hưng thịnh lên đến 200 ha, nay ba nhà máy đã đóng cửa hai, còn một hoạt động cầm chừng.

Ngành sản xuất và kinh doanh cá tra chưa lớn mạnh khi doanh nghiệp chế biến đơn độc – Ảnh: Sáu Nghệ                                

Một số DN còn đầu tư cả nhà máy thức ăn thủy sản, khép kín từ A đến Z cũng không thoát được khó khăn. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, vùng nuôi, chế biến cá tra, nhà máy phụ phẩm rải từ tỉnh Tiền Giang đến Đồng Tháp, Vĩnh Long đã phải đóng cửa hoặc cho gia công một số nhà máy. Đại gia thủy sản Hùng Vương ở Tiền Giang có nhà máy lẫn vùng nuôi từ A đến Z cả ở An Giang, Vĩnh Long nay cũng chỉ hoạt động 40 – 60% công suất.

 

Thiếu liên kết

Thực ra, các DN chế biến hào hứng nuôi cá tra, có nguyên nhân ở món lợi thuế VAT được khấu trừ. Nông dân nuôi không được khấu trừ thuế VAT, nhưng DN thì được, vì xuất khẩu. Đó là món lợi thật cụ thể, dễ thấy. Tuy nhiên, khi mở rộng sản xuất kinh doanh, những món lợi dễ thấy như thế đôi khi lại không bù đắp được những thiệt hại mà năng lực quản trị chưa theo kịp.

Một DN muốn đứng vững trên thị trường xuất khẩu, không chỉ có vùng nguyên liệu mà còn phải thực hiện rất nhiều việc khác. Quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa và chiếm lĩnh thị trường bằng các giải pháp kiên trì xây dựng tính chuyên nghiệp, đầu tư chiều sâu để tăng sức cạnh tranh. Đầu tư từ A đến Z chỉ là đầu tư chiều rộng, nếu quản trị chưa theo kịp chuỗi sản phẩm quá dài thì chỉ tổ sinh ra thất thoát lớn. Xem xét nội bộ DN đã thấy những bất ổn.

Xem xét tổng thể ngành kinh tế còn thấy những bất ổn lớn hơn. Từng DN khép kín thì ngành sản xuất và kinh doanh cá tra chỉ là một tập hợp những đơn vị nhỏ bé và rời rạc, không gắn kết với nhau. Mạnh ai nấy lo, khi thuận buồm xuôi gió có thể chèo chống, còn gặp giông bão là dễ tan tác. Lãi suất tiền vay tăng, gánh nặng tài chính nhanh chóng đè bẹp các DN khép kín. Bởi vì, chế biến xuất khẩu cần vốn lớn nhưng nuôi cá tra cũng cần vốn lớn, quá sức chịu đựng của DN thủy sản Việt Nam, vốn chỉ ở mức nhỏ hoặc vừa. Lại thêm biến động thị trường xuất khẩu, các DN không quen hợp tác mà còn cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí chơi xấu nhau để giành mối, dẫm đạp nhau để bị nhấn chìm.

Khi phát triển DN khép kín thì mâu thuẫn giữa nuôi và chế biến trước kia còn nguyên đó. Niềm tin giữa nuôi và chế biến vẫn thiếu, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn thấp. Cũng chính vì vậy, VASEP hô hào đồng hành cùng người nuôi, mà lợi ích của VASEP với người nuôi cứ ngược chiều nhau. Hô hào thành lập Hiệp hội Cá tra ĐBSCL cũng vậy, dự kiến đầu năm 2010 mà đến nay vẫn chưa biết bao giờ ra đời.

Sự liên kết, yếu tố sống còn của ngành sản xuất và kinh doanh cá tra, nhiều năm rồi vẫn là mong muốn. Có 4 hình thức liên kết: Liên kết dọc giữa các tác nhân tham gia chuỗi, liên kết ngang giữa các cá thể trong mỗi khâu, liên kết “bốn nhà” và liên kết vùng. Cốt lõi cho liên kết bền vững là chia sẻ lợi ích hợp lý. Những DN khép kín không thúc đẩy phát triển liên kết nào cả. Khi liên kết lỏng lẻo, các tác nhân tham gia chuỗi sản phẩm cá tra chưa tìm thấy lợi ích tương xứng thì chưa nỗ lực sáng tạo tìm cách tăng lợi ích chung. Cả ngành sản xuất và kinh doanh cá tra vì thế cứ yếu ớt chao đảo theo các cuộc khủng hoảng.

>> Từng doanh nghiệp khép kín thì ngành sản xuất và kinh doanh cá tra chỉ là một tập hợp những đơn vị nhỏ bé và rời rạc, không gắn kết với nhau. Mạnh ai nấy lo, khi thuận buồm xuôi gió có thể chèo chống, còn gặp giông bão là dễ tan tác.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
LIÊN HỆ

    Back to top
    error: Content is protected !!