Kiểm ngư luôn sát cánh cùng ngành thủy sản và ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 29/11/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư. Ngày 15/4/2014, tại Đà Nẵng, lực lượng Kiểm ngư chính thức ra mắt. Cùng với quá trình hình thành, lớn mạnh, những đóng góp to lớn cho đất nước của ngành thủy sản, luôn có sự đồng hành của lực lượng Kiểm ngư.

Vai trò then chốt

Hằng năm, kinh tế biển ở nước ta chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, hoạt động khai thác thủy sản, với sự hiện diện thường xuyên của ngư dân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và giữ vững quốc phòng – an ninh trên các vùng biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển diễn ra tương đối phức tạp, với không ít hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là hủy hoại ngư trường, môi trường biển của các tổ chức, cá nhân cả ở trong nước và nước ngoài. Trước tình hình đó, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam ra đời và được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước. Đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thuộc Bộ NN&PTNT, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Chi đội Kiểm ngư số 3 hỗ trợ lương thực phẩm cho ngư dân trên biển. Ảnh: Kiểm ngư

Qua quá trình hoạt động, lực lượng Kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cục Kiểm ngư có trụ sở chính tại Hà Nội, 5 Chi cục Kiểm ngư Vùng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam. Trạm Kiểm ngư Bạch Long Vỹ, Phú Quốc đã được sắp xếp kiện toàn về bộ máy tổ chức, hoạt động hiệu quả; đến nay, đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập cơ quan kiểm ngư, trong đó có 2 tỉnh thành lập Chi cục Kiểm ngư (Kiên Giang và Cà Mau).

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách trực thuộc Bộ NN&PTNT (trước đây trực thuộc Tổng cục Thủy sản), có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản; thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển… Trong 10 năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đồng thời, phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.

Trước tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý có những diễn biến phức tạp, dẫn tới cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Cục Kiểm ngư được giao thêm nhiệm vụ thường trực công tác chống khai thác IUU, đầu mối thực hiện xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU. Qua hơn 6 năm chống khai thác IUU, lực lượng Kiểm ngư đã tập trung triển khai tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác hải sản. Đến nay, số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm ngư đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, phối hợp trển khai các giải pháp nhằm hạn chế hành vi khai thác IUU. Cục đã thực hiện ký kết thỏa thuận và Quy chế đường dây nóng về các vụ việc phát sinh của hoạt động nghề cá trên biển với Trung Quốc, Brunei; đang tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận, quy chế đường dây nóng với Thái Lan, Indonessia, Campuchia, ông Hùng thông tin thêm.

Được thành lập vào tháng 3/2024 tại tỉnh Quảng Nam, Chi đội Kiểm ngư số 3 đã luôn luôn sát cánh cùng ngư dân, trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân trên vùng biển miền Trung; đặc biệt là với hoạt động chống khai thác IUU. Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực như: trực tiếp lên các tàu cá gặp ngư dân để tuyên truyền, thông qua hệ thống loa truyền thanh, máy thông tin sóng cực ngắn, phát tờ rơi… hoặc trực tiếp thành lập các Tổ công tác đến các cảng cá, âu thuyền, khu neo đậu để tuyên truyền cho ngư dân. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho ngư dân khai thác thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật; góp phần cùng với ngành thủy sản sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Để việc thực thi pháp luật trên biển được đồng bộ, hiệu quả, Chi đội luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng, Ban Quản lý các cảng cá và chính quyền địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Do vậy, từ khi thành lập đến nay, Chi đội Kiểm ngư số 3 đã tổ chức tuyên truyền được cho hơn 4.300 lượt tàu cá Việt Nam, với hơn 10.000 lượt ngư dân, phát hơn 5.500 tờ rơi tuyên truyền; tặng hàng trăm áo phao, hàng ngàn lá cờ Tổ quốc và hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm, dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho ngư dân trên biển.

Nỗ lực cho chặng đường mới

Ông Nguyễn Quang Hùng cho hay, trong thời gian tới, Cục Kiểm ngư sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách kiểm ngư; đầu tư tàu kiểm ngư hiện đại; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trong đó chú trọng phát triển kiểm ngư địa phương. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo. Đồng thời, tập trung thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC để giữ uy tín, vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Cũng theo ông Hùng, tình hình vi phạm pháp luật về thủy sản đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, việc củng cố lực lượng Kiểm ngư Trung ương và địa phương trong thời gian gần sắp tới là nhiệm vụ cấp bách để thực thi pháp luật thủy sản trên biển, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Do đó, chậm nhất đến tháng 6/2024, Cục Kiểm ngư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm ngư thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đề xuất đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và bổ sung biên chế, chế độ, chính sách đối với kiểm ngư địa phương. Đây là một trong những căn cứ rất quan trọng để phát triển lực lượng kiểm ngư.

Trong 10 năm lực lượng Kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong đó tiêu biểu là Chi đội Kiểm ngư số 2 điều động 867 lượt tàu, Chi đội Kiểm ngư số 3: 197 lượt tàu, Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Vùng 5: 242 lượt tàu. Phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!