Kiên Giang: Nuôi biển vẫn còn nhiều hạn chế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài 200 km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ trong vùng vịnh kín gió; hệ sinh thái phong phú rừng ngập mặn, vùng bãi triều, cửa sông ven biển. Đây là lợi thế và tiểm năng để tỉnh phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển.

Mấy năm nay, nghề nuôi cá lồng bè trên biển của tỉnh Kiên Giang phát triển nhanh chóng, tập trung tại các huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Hà Tiên.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, nuôi cá lồng bè hình thành từ việc ngư dân đánh bắt cá về nuôi vỗ béo trước khi đưa ra thị trường. Chủ yếu nuôi cá có giá trị kinh tế cao như bớp, mú sao, mú đen, chim… Ban đầu chỉ vài chục hộ nuôi cá lồng bên đảo, nay đã phát triển rộng. Năm 2010, mới có 1.060 lồng, sản lượng 1.400 tấn; năm 2019 đã tăng lên 3.779 lồng, sản lượng 3.555 tấn (tăng bình quân 11%/năm). Dự kiến năm 2020, có khoảng 4.500 lồng, sản lượng 4.300 tấn.

Về kỹ thuật và công nghệ, theo Chi cục Thủy sản, chủ yếu quy mô nhỏ theo kiểu truyền thống (bè gỗ, phao nổi bằng thùng nhựa), còn khá thô sơ. Mỗi bè có 4 – 6 lồng hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ đầu tư của người nuôi, một lồng có thể tích 48 – 70 m3 và nuôi nhiều loại cá khác nhau trong một bè. Lồng lưới bằng nhựa, kích cỡ nhỏ. Bè nuôi dễ bị ảnh hưởng bởi sóng lớn, áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, người dân thường phải di dời lồng bè từ bên này sang bên kia đảo trong quá trình nuôi. Gần đây, Công ty Trần Phú có đầu tư nuôi cá biển công nghiệp (cá chim, cá  hồng mỹ) ứng dụng công nghệ Nauy (lồng tròn, chất liệu HDPE) đường kính 20 – 30 m tại huyện Phú Quốc.

Giống nuôi từ nhiều nguồn (đánh bắt tự nhiên, sinh sản nhân tạo trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài). Kiên Giang chưa có cơ sở sản xuất giống cá biển. Cá nuôi của người dân chủ yếu bán qua thương lái, tiêu thụ nội địa. Mới có 4 doanh nghiệp được cấp phép thu mua vận chuyển cá mú sống xuất sang Hồng Kông – Trung Quốc.

Theo đại diện Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hạn chế lớn nhất hiện nay là con giống chủ yếu nhập ở các tỉnh miền Trung và  nước ngoài nên số lượng và chất lượng không ổn định. Lồng bè nuôi hầu hết theo kiểu truyền thống (vật liệu gỗ), rủi ro cao khi gặp thời tiết bất lợi. Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong nuôi biển chưa bền vững. Nuôi cá lồng bè ven bờ dễ bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ các hoạt sản xuất trên đất liền.

Sáu Nghệ

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!