Kiên Giang: Sắp xếp đội tàu phù hợp với nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay ngành khai thác thủy sản của địa phương đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề cạn kiệt ngư trường. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp khắc phục, trong đó chú trọng đến việc sắp xếp đội tàu phù hợp với nguồn lợi thủy sản.

Nhiều khó khăn

Kiên Giang là một trong những địa phương có ngư trường và số tàu cá lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có hơn 8.210 chiếc đã đăng ký, trong đó, số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.634 tàu. Đây là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay ngành thủy sản Kiên Giang đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù giá xăng, dầu, vật tư, ngư lưới cụ đã tương đối bình ổn trong thời gian qua nhưng do ngư trường khai thác ngày càng sụt giảm, sản lượng một số loài cá sụt giảm mạnh như: cá thu, cá trích, cá chỉ vàng, cá hồng, cá cơm… Cùng đó, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa được hiệu quả do một số chủ tàu thuyền vẫn còn một số hành vi vi phạm trong khai thác như sử dụng ngư cụ cấm, sử dụng chất độc, chất nổ… Mặt khác, cường độ khai thác lớn, quá mức cho phép, cơ cấu đội tàu và nghề chưa phù hợp.

Kiên Giang cần giảm đội tàu khai thác để khôi phục nguồn lợi thủy sản. Ảnh: HL

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, trước đây ông từng sở hữu 13 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhưng nghề đánh bắt ngày càng khó khăn nên ông đã phải bán đi 5 chiếc. Hiện, ông chỉ duy trì hoạt động 2 chiếc, số còn lại buộc phải nằm bờ. Theo ông Ngữ, để chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt xa bờ khoảng 3 tháng của cặp tàu cá công suất 500 CV, ông phải bỏ ra từ 1 – 1,3 tỷ đồng chi phí bao gồm nhiên liệu, nước đá, tiền lương ứng trước cho ngư phủ, chi phí nhu yếu phẩm, lương thực.

Được biết, vùng biển Kiên Giang là nơi có đa dạng sinh học cao đồng thời có nhiều loài đang được đánh giá ở các mức độ nguy cấp. Đây cũng là khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú, trữ lượng cao, khả năng tái tạo nguồn lợi lớn. Trữ lượng thủy sản hàng năm khoảng 278.449 tấn. Hiện sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm trong khi cường lực khai thác liên tục tăng lên. Năm 2022 – 2023, sản lượng khai thác 207.632 tấn, giảm 9% so sản lượng khai thác trong năm 2014 – 2015 (228.089 tấn) nhưng cường lực khai thác đã tăng 134,6%. Thực tế hoạt động khai thác cho thấy, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ khai thác vượt tuyến ra vùng biển nước ngoài dẫn đến vi phạm các quy định quốc tế về hoạt động khai thác hoặc khai thác vi phạm tuyến biển ngay trong phạm vi vùng biển Việt Nam tại các khu vực bãi đẻ, bãi giống.

Cắt giảm đội tàu

Để khôi phục bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Kiên Giang, nhiều giải pháp đã được đưa ra như mở rộng phạm vi các khu vực cấm khai thác quanh năm và bổ sung khu vực cấm khai thác có thời hạn ở quần đảo Nam Du; khoanh vùng bảo vệ toàn bộ khu vực từ vịnh Rạch Giá đến Hà Tiên, bờ Đông Phú Quốc và quần đảo Nam Du.

Trong phạm vi vùng cấm khai thác có thời hạn, quy định cấm đối một số nghề khai thác bao gồm: nghề lưới kéo đáy (kéo đôi, kéo đơn), nghề lưới vây ánh sáng, nghề mành điện, nghề pha xúc, nghề chụp, nghề lú. Đây là những nghề khai thác gây rủi ro sinh thái cao đối với các loài hải sản sau mùa sinh sản làm ảnh hưởng tới lượng bổ sung hàng năm, gây giảm khả năng tái tạo nguồn lợi.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, địa phương cần cắt giảm 1.766 tàu cá để giảm số ngày tàu khai thác trên biển theo hướng tiếp cận quản lý nghề cá thận trọng…

Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, để khôi phục nguồn lợi thủy sản, việc cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt đối với các tàu khai thác ven bờ, là giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới xây dựng nghề cá bền vững. Cùng đó, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm sinh kế và đời sống ngư dân sau khi cắt giảm, chuyển đổi nghề khai thác kết hợp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, giám sát hoạt động tàu cá…; đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão phục vụ phát triển ngành thủy sản sau chuyển đổi…

Theo Cục Thống kê Kiên Giang, sản lượng khai thác thủy sản quý I/2024 ước đạt 98.346 tấn, đạt 22,61% kế hoạch năm và giảm 3,20% so cùng kỳ năm trước (giảm 3.256 tấn). Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đề ra kế hoạch sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn (giảm 45.000 tấn so kế hoạch năm 2023).

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!