(TSVN) – Nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa là một trong những hình thức khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước và điều kiện sinh thái ở nhiều địa phương của nước ta.
Khuyến khích áp dụng nuôi thủy sản bằng lồng nhựa HPDE theo công nghệ Na Uy. Tùy vào điều kiện kinh tế và quy mô đầu tư của từng gia đình mà thiết kế khung lồng nuôi cho phù hợp, chiều cao mực nước lưới lồng để thả nuôi từ 2,5 m; trên các mặt của thành lồng có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.
Chọn vị trí đặt lồng nuôi phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; chọn khu vực hạ lưu hồ chứa, xa đập tràn. bến tập kết gỗ,…; chọn nơi thông thoáng, khuất gió, nước sâu hơn 3 m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất, lưu thông nước tốt, lưu tốc dòng chảy 0,2 – 0,3 m/s. Không nên nuôi ở các điểm cuối eo ngách; vị trí đặt lồng cách bờ ít nhất 15 – 20 m.
Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 – 8,5; hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 – 330C.
Lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản.
Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị tật, không bị xây xát; Hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, ánh sáng, màu sắc sáng đẹp; không có các dấu hiệu khác về màu sắc, nghi có mầm bệnh.
Cá giống nuôi trong lồng yêu cầu phải có kích cỡ lớn, tốt nhất từ 8 – 12 cm. Cá giống được ương nuôi trong ao hoặc lồng riêng cho đến khi đạt kích thước trên mới đưa ra lồng nuôi thương phẩm.
Thời gian thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.
Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 g muối + 1 lít nước) trong thời gian 5 – 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.
Cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 – 15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra.
Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.
Thức ăn sử dụng cho cá nuôi lồng bè hiện nay chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi và không tan trong nước sẽ hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nước. Sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm ≥ 30%.
Thức ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam; đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Không cho cá ăn thức ăn bị mốc hay ôi thiu, quá hạn sử dụng sẽ dễ gây ngộ độc cho cá.
Cho cá ăn với khẩu phần từ 2 – 7% trọng lượng thân, tùy vào loại thức ăn và trọng lượng cá nuôi.
Ngoài ra, có thể dùng thức ăn tự chế biến cho cá ăn để giảm chi phí. Tuy nhiên, trong quá tình chế biến cần phải nắm vững nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cá, đặc biệt là nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn phát triển của chúng. Việc sử dụng các thành phần nguyên liệu có hàm lượng tinh bột nhiều như cám, tấm, sắn/mì phải ở mức độ vừa phải tùy theo nhu cầu sử dụng của cá, dùng quá nhiều cá sẽ không tiêu hóa hết lượng thức ăn, gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Định kỳ bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn với liều lượng 5 – 10 g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5 – 7 ngày để tăng sức đề kháng cho cá.
Cần giảm lượng thức ăn khi cá có hiện tượng bắt mồi kém hay thời tiết thay đổi.
Trong quá trình nuôi cần theo dõi tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tăng trưởng, trên cơ sở đó ước lượng được khối lượng cá trong lồng từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho cá.
Quan sát hoạt động bắt mồi của cá và mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vớt thức ăn cũ còn thừa trong lồng trước khi cho thức ăn mới.
Trong quá trình nuôi cá lồng, cần chú ý thường xuyên thay lưới lồng có mắt lưới phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá; chuẩn bị các loại lưới ương, lưới nuôi cá các cỡ để san thưa cá; vừa đảm bảo vệ sinh lồng, kiểm tra số lượng cá và tạo môi trường thông thoáng cho cá phát triển.
Thường xuyên kiểm tra lồng, phát hiện các vết rách, rạn nứt để kịp thời khắc phục; loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng vào khu vực lồng nuôi. Các hộ nuôi phải có phương án neo giữ lồng hoặc di chuyển lồng vào nơi an toàn khi có bão lũ xảy ra và nước chảy xiết.
Nếu cá có dấu hiệu bỏ ăn, ăn ít hoặc dấu hiệu bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá sơ bộ để có biện pháp phòng, trị phù hợp đối với từng loại bệnh như: bệnh do ký sinh trùng, do nấm, do vi khuẩn, virus.
Khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết bất thường phải báo ngay cho cán bộ thý y xã/phường hoặc cán bộ thú y ncấp huyện, cấp tỉnh để xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời.
Sau 4 – 5 tháng nuôi kiểm tra khi cá đạt kích cỡ thương phẩm (500 – 600 g/con) thu hoạch toàn bộ hoặc có thể tiến hành thu tỉa cá lớn, tiếp tục nuôi các cá nhỏ hơn và đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.
Trước khi thu hoạch, giảm cho cá ăn 2 – 3 ngày và ngày cuối cùng ngừng cho ăn.
Thanh Hiếu