T2, 06/07/2020 10:29

Kỳ bí “sát thủ” đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Đại dương bao la với vô vàn sắc màu sinh vật. Ẩn trong vẻ đẹp ấy, mỗi loài lại có một sức mạnh kì diệu nhằm ngụy trang tránh kẻ thù, hay vũ khí để tiêu diệt con mồi.

Theo nghiên cứu được công bố trên Current Biology ngày 15/11/2012, đại dương có thể là nhà của khoảng 1 triệu loài sinh vật, trong đó 226.000 loài đã được mô tả và 65.000 loài đang chờ được mô tả trong các bộ sưu tập mẫu. Trong thế giới vô cùng phong phú ấy, có rất nhiều sinh vật rực rỡ sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp của đại dương bao la. 

 

Hải quỳ


Hoa hải quỳ là động vật đơn bào, cùng họ hàng với san hô và sứa biển. Với vẻ ngoài đẹp đẽ, hải quỳ được mệnh danh là bông hoa của biển cả. Tuy thế, chúng là một loài săn mồi rất tinh vi. Hải quỳ săn mồi bằng cách đợi con mồi bơi qua, sau đó chích những xúc tu có độc và đẩy con mồi vào miệng. Hải quỳ có nhiều dạng, nhiều loại và nhiều màu sắc. Chúng thường sống một chỗ trong suốt cuộc đời, có thể tự dính chặt vào đá hoặc san hô, một số khác lại tự chôn mình trong bùn. Ngoài ra, hải quỳ cộng sinh với một số loài như bám trên vỏ ốc mượn hồn, sống cạnh khu vực của cá hề hay tôm để ăn thức ăn thừa.

 

Sứa mũ hoa


Nhìn chúng giống như bông hoa tử đinh hương hay cái mũ diêm dúa. Nhưng cần phải vô cùng cẩn thận bởi các xúc tu của chúng (đốt rất đau). Sứa mũ hoa được tìm thấy ngoài khơi Brazil, Argentina và nam Nhật Bản, xúc tu của nó có thể cuộn lại rồi duỗi ra và là công cụ để bắt những con cá nhỏ hay các loại thức ăn khác.

 

Cá nóc


“Quả bóng” xinh xắn với vẻ ngoài tưởng như vô hại này thực chất là một chú cá nóc, được coi là động vật có xương sống độc thứ hai trên thế giới. Nó đang phòng thủ trước những kẻ săn mồi bằng cách hấp thụ một lượng lớn nước hoặc không khí, khiến chúng phình lên gấp nhiều lần so với kích cỡ thông thường. Cá nóc chứa trong mình chất độc Tetrodoxin, có thể đe dọa đến tính mạng rất nhiều loài cá khác, thậm chí cả con người. Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra thuốc giải cho loại độc tố này.

 

Sên biển


Loài sên biển mềm mại này không có vỏ ngoài. Vì thế, chúng có vẻ trông rất hấp dẫn đối với các loài thú ăn thịt khi không có công cụ bảo vệ. Song thực chất, sên biển là con mồi không dễ tấn công khi có khả năng tự sản sinh ra chất độc hoặc hấp thụ chất độc từ con mồi như bọt biển, hải quỳ rồi phóng ra khi bị đe dọa. Rất nhiều loài sên biển sở hữu một cơ thể rực rỡ, khiến chúng nổi bật trên các dải đá ngầm hay đáy biển, đây cũng là cách sên biển cảnh báo kẻ thù rằng chúng chứa đầy những chất hóa học khó nhằn và không nên cố thử ăn chúng.

 

Cá mao tiên (cá sư tử)


Cá mao tiên có gai độc, sinh sống trong các rạn san hô. Trong tự nhiên, chúng được tìm thấy trong các rặng đá ngầm thuộc vùng biển Indo – Pacific (trải dài từ vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương đến phía tây Thái Bình Dương). Chúng có vẻ ngoài trông khá bắt mắt nhưng phải vô cùng cẩn thận với những chiếc vây lưng nhọn hoắt của chúng. Bởi lẽ, những chiếc xương vây chứa một chất độc nguy hiểm, gây đau đớn cho kẻ thù. Đây là vũ khí giúp cá mao tiên không bị mất mạng khi rơi vào tay kẻ thù và ngăn chặn hầu hết các kẻ thù tiềm năng.

 

Cá mặt quỷ


Cá mặt quỷ như một chuyên gia trong việc ngụy trang. Chúng thường bị nhầm lẫn với những viên đá nhiều màu sắc hoặc khóm san hô. Khả năng này giúp chúng phục kích những con cá nhỏ và động vật giáp xác đi qua. Ngoài ra, trên lưng chúng có gai chứa nọc cực độc. Khi cảm thấy có mối đe dọa, cá mặt quỷ nằm phục sát đất và vẫy vây lưng, phóng ra chất độc nguy hiểm đó. Vì thế, chúng cũng được coi là một loài sát thủ.

Trần Vân (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!